Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên quyết định mở cửa du lịch nội tỉnh từ ngày 20/9. Theo đó, một số hoạt động dịch vụ, các điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở dịch vụ nội tỉnh bảo đảm an toàn dịch bệnh được phép mở cửa trở lại như: Các hoạt động tại các bãi tắm công cộng, hoạt động thể thao; các khu điểm du lịch, các điểm vui chơi, các dịch vụ vui chơi giải trí, các khu, điểm du lịch ngoài trời, tàu tham quan và lưu trú trên vịnh, khách sạn, cơ sở lưu trú...
Tại Bắc Giang, nhiều khu, điểm du lịch mở cửa trở lại từ 30/9 phục vụ khách nội tỉnh. Cụ thể là khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), điểm du lịch cộng đồng bản Ven (xã Xuân Lương, Yên Thế). Trước đó từ 12/9, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam) và các sân golf trên địa bàn tỉnh đã hoạt động.
Ở Hải Phòng, từ ngày 1/10, thành phố này cho phép mở lại các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, phục vụ khách nội tỉnh. Khách và người trực tiếp hướng dẫn phải đảm bảo một trong các điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2; đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin hoặc chứng nhận khỏi Covid-19. Cơ sở lưu trú được tổ chức ăn uống tại chỗ nhưng chỉ phục vụ khách đang lưu trú.
Nhiều địa phương khác như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa cũng đã cho phép hoạt động du lịch trở lại đón khách nội tỉnh. Một số khu nghỉ dưỡng ở Sa Pa (Lào Cai) và Hòa Bình đón khách ở vùng xanh có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Tại Hà Nội, các khu lưu trú, các điểm vui chơi giải trí lớn chưa được hoạt động. Tuy nhiên, người dân Thủ đô có thể đến các điểm thư giãn ngoài trời hay các khu cắm trại tại Sóc Sơn, Đồng Mô, Ba Vì (bên ngoài VQG)... và đảm bảo không tụ tập quá 10 người.
Từ 1/10, tại Thừa Thiên-Huế, Đại Nội và một số lăng tẩm triều Nguyễn mở cửa trở lại sau 4 tháng dừng hoạt động phòng dịch. Điểm di tích Đại Nội, lăng vua Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định sẽ mở cửa, song du khách chỉ tham quan khu vực ngoài trời, không vào trong các cung điện. Tỉnh cũng cho phép nhà hàng, quán cà phê mở cửa sau 22h với công suất không quá 50%.
Cũng từ tháng 10, tỉnh Quảng Bình cho phép doanh nghiệp đón khách du lịch đã tiêm vắc-xin, tham gia các tour khép kín. Cụ thể, khách đã tiêm 2 mũi được cấp thẻ xanh, khách mới tiêm một mũi được cấp thẻ vàng, yêu cầu kèm test nhanh hoặc RT-PCR âm tính. Những du khách này sẽ lưu trú và tham gia các tour khép kín, không tự do hoạt động bên ngoài.
Trong khi đó, Sở Du lịch Tp.Đà Nẵng cho biết đang hoàn thiện phương án, lộ trình về việc mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, dịch vụ. Trong tháng 12/2021, dự kiến Đà Nẵng sẽ mở lại các dịch vụ, du lịch cho người Đà Nẵng du lịch trong thành phố, với điều kiện các cơ sở du lịch, dịch vụ phải đáp ứng đủ điều kiện cơ bản phòng, chống dịch... Từ tháng 1/2022, thành phố sẽ mở cửa cho khách nội địa với tất cả dịch vụ dành cho khách lẻ. Đến quý 2/2022, sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế nếu Chính phủ cho phép và Tp.Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế thành công.
Tại Khánh Hòa, trước mắt, ngành du lịch tỉnh sẽ phục hồi du lịch nội tỉnh với chương trình "Người Khánh Hòa đi du lịch Khánh Hòa". Từ ngày 1 đến 15/10, khách nội tỉnh Khánh Hòa có thẻ xanh Covid-19 (đã tiêm 2 mũi vắc-xin) hoặc thẻ vàng Covid-19 (tiêm 1 mũi) có thể đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở khu vực biệt lập. Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ với điều kiện đăng ký, được cấp thẩm quyền cho phép.
Từ ngày 16/10 đến 15/11, cơ sở du lịch của tỉnh đón khách trong nước áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng; các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động, song phải đảm bảo an toàn. Người dân ở "vùng xanh" được tắm tại các bãi biển thuộc "vùng xanh", không quá 5 người.
Tại Lâm Đồng, hiện UBND tỉnh đã mở lại các dịch vụ liên quan đến du lịch, nhà hàng ăn uống. Khách nội tỉnh được đến các điểm tham quan, điểm du lịch, cơ sở lưu trú từ 2 sao trở lên, mỗi phòng tối đa 2 khách, công suất không quá 50%. Các quán ăn uống, kể cả quán vỉa hè phục vụ cùng lúc không quá 50% số người so với ngày thường, chỉ được bố trí tối đa 50% số bàn ghế.
Từ 20/10, tỉnh Bình Thuận thí điểm đón khách nội địa và người nước ngoài đang sống tại Việt Nam với yêu cầu đạt tiêu chí an toàn. Điểm đến là các khách sạn có quyết định công nhận hạng 3-5 sao hoặc tương đương, dịch vụ lữ hành, điểm tham quan đạt tiêu chí an toàn được UBND tỉnh công nhận. Địa bàn thực hiện thí điểm chủ yếu tập trung tại Tp.Phan Thiết, riêng các huyện, thị xã tùy theo điều kiện thực tế tại địa phương có thể xem xét việc mở cửa thí điểm...
Tại Tp.HCM, từ 1/10, thành phố dỡ các chốt nội đô, người dân có thể đi lại nhưng không được tự ý ra khỏi thành phố. Khách du lịch tại Tp. HCM đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh (có xác nhận) được đến các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch. Các dịch vụ khác phục vụ cho khách du lịch được hoạt động tối đa 50% công suất với điều kiện đáp ứng bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch. Nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.
Các địa bàn cơ bản kiểm soát được dịch như Củ Chi, Cần Giờ đã mở tour khép kín đầu tiên ngày 19/9 và dự kiến triển khai các tour tiếp theo trong thời gian tới.
Trước đó tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh cho phép 4 cơ sở lưu trú thí điểm đón khách nội địa gồm: Melia Hồ Tràm Resort, Bình Châu Hot Springs, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino (huyện Xuyên Mộc) và Six Senses Côn Đảo Resort (huyện Côn Đảo) nếu bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch theo yêu cầu của UBND tỉnh. Du khách phải tiêm 2 mũi vắc-xin (đã qua 14 ngày từ mũi tiêm cuối); được đưa đón khép kín từ nơi ở của du khách đến cơ sở lưu trú; trong quá trình sử dụng dịch vụ không ra khỏi khuôn viên của cơ sở lưu trú...
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9: Khách quốc tế đến nước ta trong quý 3 năm 2021 đạt 26,3 nghìn lượt người (giảm 40,3% so với cùng kỳ năm trước).Về du lịch nội địa, giá vé máy bay giảm 20,91% so với cùng kỳ năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,69%.
Để giải quyết những khó khăn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất nhiều giải pháp: giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 5% cho các hoạt động kinh doanh du lịch; điều chỉnh lại thời hạn cơ cấu trả nợ; miễn giảm phí dịch vụ... Bên cạnh đó, từ tháng 9/2021, khi dịch bệnh trong nước dần được kiểm soát, Tổng cục du lịch đã tham mưu để triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó, chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước như: Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Tổng cục Du lịch khẳng định, trong điều kiện bình thường mới, yếu tố an toàn trong du lịch luôn là mục tiêu hàng đầu. Trong đó, 3 yếu tố quan trọng là tiêm phủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân và người lao động du lịch; bảo đảm an toàn cho các điểm đến, cơ sở du lịch; tạo điều kiện thuận lợi đi du lịch đối với du khách nội địa và quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vắc-xin.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, báo Công an Tp.HCM)