Mới đây, bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 và thay thế Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Hiện nay, theo khoản 6, điều 4 của Thông tư 70/2015/TT-BGTVT, quy định cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ từ chối đăng kiểm đối với các trường hợp có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định.
Tuy nhiên, thông tư thay thế Thông tư 70/2015/TT-BGTVT đã bỏ quy định này.
Thay vào đó, Thông tư 16/2021/TT-BGTVT chỉ quy định đối với xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông, xe bị cảnh báo theo đề nghị của tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát nếu đạt yêu cầu thì chỉ được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày.
Không chỉ tại thông tư 16/2021/TT-BGTVT thay thế Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT bỏ quy định "chặn" hay không tiếp nhận đăng kiểm xe vi phạm, mà thực tế trước đó, Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (hiệu lực từ ngày 1/1/2020), tại các điều khoản quy định về việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô thuộc trường hợp có vi phạm giao thông mà chưa nộp phạt, các cơ quan đăng kiểm phải chấm dứt việc từ chối kiểm định ôtô vi phạm luật giao thông.
Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính, hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện (ôtô, rơ-moóc, sơ-mi rơ- moóc, xe máy chuyên dùng) vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết, thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên chương trình quản lý kiểm định.
Khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, thực hiện kiểm định theo quy định đối với phương tiện, cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực là 15 ngày.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định sau khi người vi phạm đã đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết để xóa cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên chương trình quản lý kiểm định, thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành đối với phương tiện.
Như vậy, quy định mới nhằm hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Hiện trên trang điện tử của cục CSGT và cục Đăng kiểm Việt Nam đều có mục tra cứu vi phạm, cảnh báo.
Để tránh mất thời gian và chi phí, trước khi đi đăng kiểm, chủ xe nên tra cứu nếu chẳng may xe bị vi phạm giao thông mà không biết.
Đề xuất nhiều quy định mới về xử phạt giao thông từ thiết bị cá nhân
Bộ Công an đã hoàn thành hồ sơ dự thảo Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo là xây dựng một chương mới để quy định “quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp” theo quy định tại khoản 32 Điều 1 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xử lý vi phạm hành chính.
Quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp quy định dữ liệu được cung cấp cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt thông qua một trong các hình thức sau:
- Trực tiếp đến trụ sở cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền để cung cấp.
- Thông qua thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, số điện thoại đường dây nóng.
- Thông qua dịch vụ bưu chính.
- Thông qua việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền cung cấp dữ liệu thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền và được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; được yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp.
Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp sẽ được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm hành chính nếu đáp ứng được yêu cầu: Phản ánh khách quan, đầy đủ, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức; còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Căn cứ dữ liệu tiếp nhận, thu thập được, người có thẩm quyền theo quy định phải nhanh chóng tiến hành xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, kết luận vụ việc.
Trường hợp phát hiện có vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trường hợp khi xác minh, xem xét vụ việc, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp có dấu hiệu làm giả, thì người có thẩm quyền phải chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuệ Minh