Giá lợn hơi sẽ về 70 nghìn đồng/kg
Sáng 30/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn giải pháp để tiếp tục xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, đồng thời nhằm giảm áp lực của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết trước tình hình hiện nay, chỉ số CPI cao, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn các doanh nghiệp chăn nuôi cam kết cùng chung tay để trước mắt đưa giá thịt lợn hơi từ 75 nghìn đồng/kg xuống mức 70 nghìn đồng/kg từ ngày 1/4 tới.
Trước đó, trong năm 2019, theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, do chịu thiệt hại nặng nề từ bệnh Dịch tả lợn châu Phi, sản lượng thịt lợn giảm sâu dẫn đến tổng sản lượng thịt hơi các loại giảm mạnh.
Năm 2019 sản lượng thị lợn giảm trên 16,8%. Trong khi đó thịt trâu tăng 3,1%; thịt bò tăng 4,2%; thịt gia cầm tăng 16,5%; trứng tăng 13,7%.
Từ tháng 6/2019, giá mặt hàng thịt lợn tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến tháng 12 (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019). Tại thời điểm giữa tháng 12/2019, giá thịt lợn ở mức rất cao (lợn hơi ở mức 80.000 – 90.000đ/kg, giá thịt lợn thành phẩm ở mức 160.000 – 180.000đ/kg).
Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của bệnh DTLCP, (tháng 5 và 6 là cao điểm của dịch, đàn giảm gây thiếu hụt trong tháng 11 và tháng 12/2019), các cơ sở chăn nuôi giữ lợn có khối lượng 120-140kg mới xuất chuồng thay vì trước đây xuất chuồng 100-120kg, nguồn cung cấp thịt lợn giảm đáng kể và đặc biệt thông tin về giá thịt lợn hơi không chính xác đã đẩy giá tăng lên.
Giải pháp quyết liêt của Chính phủ
Đứng trước tình hình này, Chính phủ và các Bộ ngành đã có nhiều biện pháp can thiệp nhằm bình ổn thị trường.
Cụ thể, thông tin trên báo Tiền Phong, đến giữa tháng 3/2020, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019 (tỷ trọng nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Hoa Kỳ 7,65%, Liên bang Nga 2,62%...).
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Bộ NN&PTNT đã trực tiếp kết nối Tập đoàn Miratorg của Nga và dự kiến nhập khoảng 50.000 tấn thịt lợn của DN này trong năm nay.
Tập đoàn Miratorg đã làm thủ tục để xuất sang Việt Nam khoảng 3.500 - 4.000 tấn thịt lợn, trong đó khoảng 1.500 tấn đã về Việt Nam.
Video: Gần 1.500 tấn thịt heo từ Nga đã về Việt Nam
Cùng với đó, tính đến ngày 10/3/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018); trong đó, đàn lợn nái còn 2,72 triệu con, cơ bản đáp ứng nhu cầu giống để tái đàn lợn.
Tốc độ tái đàn lợn trên cả nước đang rất nhanh, tăng 2 triệu con, hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 24 triệu con; các doanh nghiệp đã có tốc độ tái đàn tăng trưởng nhanh 17%. Cuối quý III đầu quý IV có thể đạt tổng đàn như trước khi bị dịch tả lợn châu Phi (năm 2018).
Cùng với đó, nhằm bình ổn thị trường lợn hơi, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn (như Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed…) đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và hiện đã hạ giá bán lợn hơi xuống từ 73.000 - 76.000 đồng/kg.
Ngoài nhập khẩu thịt lợn, các Bộ ngành còn xem xét giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cần tổ chức kiểm soát tốt chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá, nhất là ở các khâu trung gian.
Ban Chỉ đạo 398 quốc gia và các địa phương, đặc biệt các địa phương phía Bắc tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra khỏi Việt Nam.
Từ những biện pháp đồng bộ trên, rất có thể trong thời gian tới giá lợn hơi không chỉ quay về mức 70 nghìn đồng/kg mà còn có thể hạ xuống mức 35 nghìn – 45 nghìn đồng/kg như trước thời điểm xảy ra DTLCP.
Lê Lan (Tổng hợp)