Từ ngày 15/8, muốn kinh doanh, bán lẻ thuốc lá, phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá.
Đó là quy định được nêu trong Nghị định 67/2013 về “chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá”.
Như vậy hàng quán, đại lý không có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng như quán trà đá, xe hàng lưu động... sẽ không được bán thuốc lá.
Theo Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ 1/5, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Từ 15/8, quán trà đá, cửa hàng không có điểm cố định... không được bán thuốc lá.
Cụ thể Nghị định nêu rõ, điều kiện cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá phải là thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng. Mặt khác, điểm bán lẻ thuốc lá phải có diện tích tối thiểu từ 3m2 trở lên, có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá;...
Nghị định “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá” có hiệu lực từ năm 2009 cũng đã quy định, phạt 200.000 đồng – 1 triệu đồng với hành vi “kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ rượu hoặc thuốc lá khi không có giấy phép kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ”.
Luật pháp từ lâu đã cấm việc bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi và sử dụng người dưới 18 tuổi bán thuốc lá. Luật mới cũng quy định, các điểm bán thuốc lá phải treo biển thông báo “không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”.
Cụ thể, người chịu trách nhiệm tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 m tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
Luật sư Hà Huy Phong (GĐ Công ty Luật Inteco, Hà Nội) cho rằng, chiếu theo Luật và Nghị định, hàng vạn quán nước, trà đá vỉa hè, hiện nay đề vi phạm và đều phải bị xử phạt. Tuy nhiên, đây là một thực tế tồn tại đã quá lâu và trở thành phổ biến. Điều đó còn thể hiện văn hóa, thói quen, tư duy tiểu thương của đa số người Việt. Luật pháp đã quy định, nhưng việc xử phạt là không xuể. “Để ngăn chặn, giảm thiểu việc mua bán thuốc lá, nhằm phòng chống tác hại từ thuốc lá, vẫn chủ yếu dựa vào truyền thông, giáo dục ý thức là chính.” - Luật sư Phong nói. |
Theo Khám phá