Để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP. Nghị định số 88/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.
Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:
- Có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp tại Nghị định số 88/2020/NĐ-CP bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động khám sau khi được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 12 Nghị định 37/2012/NĐ-CP của Chính phủ, mức hỗ trợ vẫn bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định sau khi được BHYT chi trả nhưng không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám.
Như vậy, mức hỗ trợ này đã được ấn định bằng số tiền cụ thể là 800.000 đồng/người/lần khám mà không căn cứ vào mức lương cơ sở nữa (phù hợp với chính sách cải cách tiền lương nêu tại Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng).
Đồng thời, mức hỗ trợ tối đa chi phí chữa bệnh nghề nghiệp cũng được ấn định rõ số tiền tại Nghị định số 88/2020/NĐ-CP so với quy định hiện đang có hiệu lực. Cụ thể, sau khi được BHYT chi trả, người lao động chữa bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ 50% chi phí theo biểu giá quy định nhưng không quá 15 triệu đồng/người (hiện nay, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở/người)...
H.M