Cuối năm 2023, Hội đồng tiền lương đã họp và quyết định tăng lương tối thiểu vùng. Mức tăng dự kiến 6%, tương ứng 200.000-280.000 đồng/tháng so với hiện hành. Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng chính phủ quyết định.
Theo phương án này, lương vùng I nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng II là 4,41 triệu đồng; vùng III là 3,86 triệu đồng và vùng IV đạt 3,45 triệu đồng.
Khi mức tiền lương tối thiểu vùng tăng, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng sẽ tăng lên theo từng địa bàn áp dụng.
Căn cứ theo quy định tại Luật Việc làm 2013, tiền lương đóng BHTN cũng là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, tuy nhiên có sự khác nhau giữa khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp.
Trong đó, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức đóng tối đa cho trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương cơ sở, là bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng BHTN.
Đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, mức đóng tối đa cho trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng là bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động, tại thời điểm đóng BHTN.
Như vậy, đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp, dự kiến kể từ ngày 1/7 tới, mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa đối với từng vùng như sau: Vùng I là 99,2 triệu đồng; vùng II là 88,2 triệu đồng; vùng III là 77,2 triệu đồng; vùng IV là 69 triệu đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau: Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ "bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới".
Như vậy, từ ngày 1/7, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Thời điểm từ 1/7 đến khi dự luật dự kiến thông qua năm 2025, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần rà soát đầy đủ và báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả quy định việc thay thế "mức lương cơ sở" hiện hữu trong nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư có liên quan. Bỏ cách tính lương dựa trên mức lương cơ sở thì sẽ mất nền tiền lương để đóng BHTN.
Trước mắt, Thường trực Ủy ban Xã hội dự kiến các quy định có liên quan đến mức lương cơ sở được quy định theo hướng "mức hưởng không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật này có hiệu lực".
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024.
Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng.
Như vậy ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.
Minh Hoa (t/h)