Theo khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức hiện nay, công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh, trong biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và thuộc các cơ quan, đơn vị được nêu cụ thể tại Nghị định 06 năm 2010 gồm:
- Trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Trong Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước
- Trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tổ chức khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập
- Trong cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện
- Trong hệ thống Tòa án nhân dân, hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân
- Trong cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, tỉnh, huyện
- Trong cơ quan, đơn vị của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân
- Trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập…
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2020 Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, bổ sung chính thức có hiệu lực với nhiều nội dung ảnh hưởng lớn đến đối tượng công chức. Một trong số đó là việc sửa đổi phạm vi đối tượng là công chức.
Theo đó, khoản 2 Điều 4 Luật hiện nay được khoản 1 Điều 1 Luật mới 2019 sửa đổi theo hướng lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ không còn là công chức.
Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và sẽ xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm thay thế bảng lương hiện nay nêu tại Nghị quyết 27-NQ/TW.
Tuy nhiên, khoản 19 Điều 1 của Luật sửa đổi năm 2019 cũng nêu rõ, công chức đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập theo Luật và các văn bản hướng dẫn hiện hành vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện chế độ, chính sách … cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm.
Bên cạnh đó, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 cũng đã bổ sung thêm hình thức thực hiện nâng ngạch đối với công chức so với quy định hiện hành, cụ thể, việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch. Hiện nay, Luật cán bộ, công chức 2008 chỉ quy định việc nâng ngạch công chức được thực hiện qua hình thức thi.
Thêm trường hợp được tuyển dụng vào công chức
Điều 37 Luật Cán bộ, công chức hiện nay quy định việc tuyển dụng công chức được thực hiện qua hình thức thi tuyển. Trong đó, chỉ nêu 1 trường hợp duy nhất được xét tuyển là người có phẩm chất, trình độ và năng lực, cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo...
Trong khi đó, khi Luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì ngoài thi tuyển, Luật còn bổ sung thêm hình thức xét tuyển với các trường hợp:
- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng;
- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương cử đi học.
Không chỉ vậy, người đứng đầu cơ quan quản lý công chức còn có thể tiếp nhận các trường hợp:
- Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập;
- Cán bộ, công chức cấp xã;
- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu nhưng không phải là công chức;
- Tiếp nhận để bổ nhiệm làm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý với người đang là Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng trong doanh nghiệp Nhà nước…
- Người đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức khác.
Có thể thấy, trước đây, các hình thức thi tuyển, xét tuyển hay tuyển dụng đặc biệt nêu trên chỉ được quy định tại các Thông tư 03/2019/TT-BNV, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP... mà chưa được luật hóa.
5 loại phụ cấp của công chức đồng loạt tăng
Chính thức từ 1/7/2020, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng.
Lúc này, cũng như lương của công chức, 5 khoản phụ cấp tính theo lương cơ sở của đối tượng này gồm phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp công tác lâu năm cũng tăng theo, gồm 2 giai đoạn:
- Từ nay đến 30/6/2020: Tính theo mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng;
- Từ 1/7/2020 trở đi: Tính theo mức lương cơ sở mới là 1,6 triệu đồng/tháng.
Trong đó, 5 loại phụ cấp trên được tính theo công thức: Phụ cấp = Hệ số x mức lương cơ sở.
Dưới đây là chi tiết mức phụ cấp công chức được hưởng trong năm 2020:
Thứ nhất, phụ cấp khu vực áp dụng với công chức làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, có khí hậu xấu, mật độ dân cư thưa thớt, đường xá đi lại khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, sình lầy… Trong đó, công chức được hưởng phụ cấp này theo 7 hệ số là 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0.
Trong đó, mức 1,0 chỉ áp dụng với những hải đảo đặc biệt khó khăn, gian khổ.
Đặc biệt, với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ quân đội và công an nhân dân, mức phụ cấp khu vực được tính bằng 0,4 lần mức phụ cấp của các đối tượng khác.
Thứ 2, phụ cấp lưu động. Loại phụ cấp này áp dụng với công chức (kể cả đang tập sự) vì tính chất, đặc điểm của nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở, điều kiện sinh hoạt không ổn định như: Tổ, đội công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh phòng dịch, sinh đẻ có kế hoạch, sốt rét, bướu cổ ở vùng trung du; Tổ, đội khảo sát, tìm kiếm khoáng sản thuộc liên đoàn địa chất chuyên đề; Khảo sát, điều tra rừng; Điều tra, sưu tầm dược liệu quý, hiếm ở các miền núi cao, biên giới, hải đảo, nơi xa xôi, hẻo lánh…
Trong đó, phụ cấp lưu động gồm 3 hệ số là 0,2; 0,4 và 0,6.
Thứ 3 là phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Loại phụ cấp này áp dụng với đối tượng công chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại, nguy hiểm mà yếu tố độc hại này cao hơn bình thường:
- Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm
- Ở môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh
- Công việc có tiếng ồn lớn hoặc có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép
- Có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép
Trong đó, mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm có 4 mức hệ số là 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4.
Thứ 4 là phụ cấp trách nhiệm công việc. Với những người làm công tác bảo vệ cơ mật mật mã (Được áp dụng với những người làm việc trong tổ chức cơ yếu Quân đội và Công an nhân dân) phụ cấp này gồm 3 mức với các hệ số lần lượt là 0,1; 0,2 và 0,3.
Với những người làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo được hưởng phụ cấp gồm 4 mức với các hệ số 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5.
Cuối cùng, phụ cấp công tác lâu năm. Loại phụ cấp này áp dụng với công chức làm việc ở nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn với các mức:
- 0,5 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 5 năm - dưới 10 năm
- 0,7 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 10 năm - dưới 15 năm
- 1,0 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 15 năm trở lên.
Lưu ý, ngoài 05 khoản phụ cấp tính theo lương cơ sở nêu trên, các khoản phụ cấp khác tính theo mức lương hiện hưởng cũng sẽ tăng ít nhiều kể từ ngày 1/7/2020. Do việc điều chỉnh mức lương cơ sở kéo theo mức lương hiện hưởng của công chức cũng tăng lên tương ứng.
Hoàng Mai