Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2025 thì từ năm 2025 giấy phép lái xe sẽ tăng lên 15 hạng là A1, A, B1, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE, còn hiện nay theo Luật Giao thông đường bộ 2008 là 13 gồm A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FC và FE.
Đồng thời, luật cũng thay đổi loại xe được lái trong từng hạng, ví dụ như hạng A1 mới cấp cho người lái xe mô tô từ trên 50 phân khối đến 125 phân khối. Hạng A mới cấp cho người lái xe mô tô trên 125 phân khối.
Còn bằng A1 hiện nay cấp cho người lái xe mô tô từ 50 phân khối đến dưới 175 phân khối, bằng A2 hiện nay cấp cho người lái xe mô tô trên 175 phân khối.
Hạng B1 mới không còn cấp cho người lái xe ô tô như bằng B1 hiện nay mà sẽ cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh.
Mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm
Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm.
Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hiện, Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.
Theo dự thảo thì tùy vào hành vi vi phạm mà sẽ bị trừ 2, 3, 4, 6, 8, 10, 12 điểm giấy phép lái xe. Ngoài ra, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính nên người vi phạm giao thông vẫn bị phạt tiền tương ứng với hành vi vi phạm. Tuy nhiên, hành vi nào đã bị trừ điểm thì sẽ không bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm thì người có giấy phép lái xe không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo giấy phép lái xe đó. Sau thời hạn ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có giấy phép lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Bộ Công an đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo dự thảo, người lái xe máy khi bị trừ hết 12 điểm thì phải kiểm tra lý thuyết để phục hồi điểm, còn người lái xe mô tô khi bị trừ hết 12 điểm thì phải kiểm tra lý thuyết và mô phỏng để phục hồi điểm.
Thay đổi thời hạn của giấy phép lái xe
Cụ thể, theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2025 thì các hạng giấy phép lái xe mô tô vẫn là loại giấy phép lái xe không thời hạn như hiện nay.
Riêng đối với giấy phép lái xe dùng để lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (tương ứng là bằng B1 hiện nay và bằng B mới) thì từ năm 2025 sẽ có thời hạn là 10 năm kể từ ngày cấp, còn hiện nay thời hạn của loại giấy phép lái xe này phụ thuộc vào độ tuổi của người lái xe.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (Có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) | Luật Giao thông đường bộ 2008, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (Hiện hành) | |
Mô tô | Giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn. | Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. |
Ô tô | - Giấy phép lái xe hạng B và hạng C1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp. - Giấy phép lái xe các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp. | - Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. - Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. - Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp. |