25 điểm tiêm cho người trên 65 tuổi, có bệnh lý nền
Từ hôm nay (22/7), TP.HCM bắt đầu chính thức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên diện rộng cho người dân trong diện ưu tiên theo quy định của bộ Y tế (Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021, về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 năm 2021 – 2022). Dự kiến, đợt tiêm này sẽ kéo dài trong 2–3 tuần.
Thành phố sẽ có trên 600 điểm tiêm ở cộng đồng nhưng chỉ thực hiện 120 mũi tiêm/điểm tiêm/ngày để đảm bảo an toàn và phòng chống Covid-19. Trong đợt tiêm thứ 5, dự kiến TP.HCM sẽ tiêm gần 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, gồm 3 loại: AstraZeneca, Moderna và Pfizer.
Thực hiện kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 5, sở Y tế vừa có văn bản khẩn, do ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM ký gửi đến các đơn vị trực thuộc để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng vắc xin.
Theo đó, những người bình thường sẽ tiêm tại điểm tiêm cộng đồng ở các quận/huyện và TP.Thủ Đức.
Còn những người mắc bệnh như: thận mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, người có tình trạng béo phì, người trên 65 tuổi sẽ tiêm ở bệnh viện (BV).
Cụ thể, có 25 đơn vị được tiêm cho những đối tượng trên 65 tuổi và có bệnh lý nền, gồm BV quận/huyện: 1, 4, 6, 7, 8, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, 175, Hồng Đức, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Đa khoa Xuyên Á, Đa khoa khu vực Củ Chi, Bình Tân, Nhi Đồng Thành phố, Nhà Bè, Hoàn Mỹ Thủ Đức (điểm ở Bình Khánh), Mỹ Đức Phú Nhuận (điểm ở Cần Thạnh), TP.Thủ Đức, Lê Văn Thịnh cùng một số trung tâm y tế quận: 3, 5, 10.
Lãnh đạo sở Y tế cho biết: Các phòng y tế, trung tâm y tế TP.Thủ Đức và quận/huyện phải tổng hợp và gửi danh sách người trên 65 tuổi, người mắc bệnh như: thận mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và tình trạng béo phì có hộ khẩu trên địa bàn đến BV được phân công tiêm.
Về quy trình tiêm vắc xin, các đơn vị phải thông báo, điều phối người đến tiêm tại các điểm tiêm và chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng tiêm, đảm bảo không tập trung đông người, tuân thủ biện pháp 5K của bộ Y tế.
Các đơn vị được phân công thực hiện tiêm cho đối tượng người trên 65 tuổi, người mắc bệnh như: thận mãn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và tình trạng béo phì phải cập nhật ngay phần mềm để biết và chủ động điều phối người tiêm trong ngày.
Chỉ bố trí 1 bàn tiêm
Trong những ngày đầu, bố trí 1 đội tiêm để tổ chức tiêm an toàn, theo dõi kỹ và xử lý tình huống tai biến (nếu có), báo cáo ngay kết quả xử lý tai biến sau tiêm hàng ngày cho trung tâm Cấp cứu 115 để tổng hợp.
Các đội tiêm còn lại của cơ sở triển khai tiêm chủng ở cộng đồng theo kế hoạch của UBND quận/huyện.
Đối với các điểm tiêm cộng đồng, thực hiện theo sự điều phối của phòng y tế, trung tâm y tế quận/huyện.
Riêng trung tâm Cấp cứu 115 và các BV được phân công đảm bảo công tác cấp cứu tại các điểm tiêm: bố trí xe cấp cứu, gồm: 1 tài xế, 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng với đầy đủ phương tiện trang thiết bị, thuốc cấp cứu theo đúng cơ số quy định.
Qua đó, đảm bảo việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển người bệnh đến BV gần nhất theo sự điều phối của trung tâm Cấp cứu 115…
Các đội tiêm sẽ gồm 1 bác sĩ khám sàng lọc, 1 điều dưỡng thực hiện kỹ thuật tiêm, 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng theo dõi sau tiêm, 1 nhân viên hành chính. Tất cả các nhân sự này phải được tập huấn về an toàn tiêm chủng, đồng thời, sắp xếp bố trí tiêm chủng đúng quy trình một chiều.
Đồng thời các điểm tiêm cấp giấy xác nhận tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngay tại buổi tiêm cho tất cả các trường hợp, do đơn vị phụ trách tiêm, khuyến khích đóng dấu điểm tiêm.