Chiều 21/8, ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh theo các biện pháp tăng cường từ 23/8.
Phát biểu mở đầu, Trưởng ban Tuyên giáo Tp.Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, sau khi thành phố này công bố kế hoạch, các biện pháp tăng cường, đã xuất hiện tình trạng mật độ giao thông cao hơn bình thường.
“Việc người dân đổ xô đi mua đồ, không đảm bảo giãn cách là điều rất đáng lo lắng. Người dân cần chia sẻ, sẵn sàng, đồng thuận, cùng hưởng ứng, tuân thủ quy định thì thành phố mới có thể sớm trở về trạng thái bình thường”, ông Khuê nói.
Tiếp lời, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch khẳng định: “Tp. Hồ Chí Minh không thực hiện phong tỏa trong 2 tuần tới. Đây cũng không phải tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh”.
Vì theo khoản 2 Điều 42 luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, thẩm quyền này thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không họp thì Chủ tịch nước được quyền công bố.
“Từ trước đến nay, lực lượng công an, quân đội, lực lượng y tế đã được Tp. Hồ Chí Minh huy động 100% để phòng chống dịch cùng với đội ngũ từ trung ương tăng cường. Để đáp ứng tình hình mới thì được tăng cường hơn nữa”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo quy định mới, từ 0h ngày 23/8 đến ngày 6/9, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tạm ngưng lực lượng giao hàng bằng công nghệ (shipper) tại Tp. Thủ Đức, và các quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, quận Bình Chánh, huyện Hóc Môn.
Tại các quận khác, shipper được hoạt động nội quận, không được chạy khác quận, huyện.
Tp. Hồ Chí Minh cũng tăng cường phương tiện, máy móc thiết bị để phục vụ phòng chống dịch bệnh, tăng cường cung ứng lương thực thực phẩm để chăm lo cho đời sống người dân tốt hơn.
Địa phương tăng cường thực hiện một số biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch" kể từ 0h ngày 23/8 đến hết 6/9.
Cụ thể, thực hiện nghiêm nhà cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn.
Thành lập tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, trong đó tập trung tại những vùng có nguy cơ cao và rất cao (“vùng cam", “vùng đỏ").
Tiếp tục kiểm soát việc di chuyển của người dân, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định các dấu hiệu nhận diện đối với cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan, đơn vị mình khi tham gia lưu thông; thống nhất triển khai từ 0h ngày 23/8.
Chủ tịch UBND các quận, huyện và Tp. Thủ Đức được UBND Tp. Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thực hiện các biện pháp bố trí để người dân ở “vùng xanh” được đi chợ 1 lần/tuần.
Chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn. Chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, xét nghiệm toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ” bằng phương thức xét nghiệm nhanh, mẫu gộp.
Bổ sung xét nghiệm các đối tượng là nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc tây, nhân viên công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác (lái xe, thu gom rác), lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên tại các cửa hàng xăng dầu (7 ngày/lần).
Lực lượng tuyến đầu thành lập thêm 400 trạm y tế lưu tại các khu vực có nhiều F0; có chức năng tham gia sơ cấp cứu, theo dõi F0 đang điều trị tại nhà.
Trạm y tế được trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ test nhanh... và chuẩn bị 100.000 túi thuốc đều trị F0 tại nhà.