Thanh Hóa đến Ninh Thuận có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (22/8), ở khu vực từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ như Con Cuông (Nghệ An) 37.3 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37.5 độ, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 37.5 độ. Độ ẩm tương đối phổ biến 55-60%.
Dự báo ngày 23/8, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.
Ngày 24/8, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.
Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Lưu ý: nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.
Dự báo chỉ số UV ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao
Theo dự báo ngày hôm nay (23/8), các tỉnh thành trên cả nước đều có chỉ số UV ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao (6.0 - 10.4). Trong đó cao nhất là Cà Mau và Cần Thơ đều ở mức 10.3-10.4.
Trong 3 ngày tiếp theo, các thành phố đều có chỉ số UV cực đại tiềm năng được dự báo tiếp tục duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao đến rất cao (7.0 - 10.0) trên cả ba miền.
Cụ thể, tại thành phố Hà Nội, chỉ số UV trong ngày 23/8 sẽ duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao trong khoảng thời gian từ 11h đến 13h, ở mức 8.5-9.1; trong đó chỉ số UV đạt cực đại vào lúc 12h và lên tới mức 9,1 ở mức nguy cơ gây hại rất cao.
Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số UV trong ngày hôm nay (23/8) dự báo cũng sẽ duy trì mức nguy cơ gây hại rất cao trong khoảng thời gian từ 11h đến 13h ở mức 9.6-10.1 .
Các tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Hạ Long, Hội An, Thừa Thiên-Huế, Nha Trang, Cà Mau, chỉ số UV trong ngày sẽ duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xu hướng chỉ số UV ở mức nguy cơ gây hại rất cao sẽ tiếp tục duy trì tại nhiều tỉnh, thành phố du lịch (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hội An, Huế, Đà Nẵng, Cà Mau) từ ngày 23/8 đến 26/8.
Chỉ số tia UV từ 3-5 là ở mức trung bình; từ 6-8 là mức nguy hại cao; trên 8 là mức nguy cơ gây hại rất cao.
Chỉ số UV mức cao, ra đường cần lưu ý gì?
Cần che chắn vùng da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng bằng các trang bị bảo hộ, như: kem chống nắng, mũ, kính râm, khẩu trang, găng tay, áo chống nắng...
Bôi kem chống nắng là biện pháp quan trọng để bảo vệ da, cần bôi kem chống nắng khoảng 2-3 giờ/lần, trước khi ra nắng 20 phút ở vùng da cần được bảo vệ. Các nhà sản xuất đã lưạ chọn chỉ số chống nắng phù hợp với làn da, người sử dụng chỉ cần chọn loại kem phù hợp với loại da của mình: da khô, da dầu, da hỗn hợp, da nhạy cảm.
Ra đừng nên sử dụng áo chống nắng không phải chỉ đơn giản là tìm một chiếc áo có khả năng che kín các vùng cơ thể và mặc lên người. Cần phải hiểu rõ loại áo, chất liệu và khả năng bảo vệ khỏi tác hại của tia UV. Rất nhiều người vẫn thường mắc các sai lầm khi chọn áo chống nắng. Chẳng hạn như nhiều người lầm tưởng, màu áo càng sáng, chống nắng sẽ càng tốt. Tuy nhiên, các loại áo màu tối có khả năng hấp thụ nhiệt và biến đổi thành nhiệt lượng, có khả năng chống tia cực tím tốt hơn.
Trúc Chi (t/h)