Ngày 8/3, 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đồng loạt tổ chức sự kiện “Những bệnh nhân đầu tiên chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn Bảo hiểm y tế” nhằm quảng bá dịch vụ này tới đông đảo người dân.
Được biết, đến nay, 188 cơ sở y tế đã sẵn sàng chi trả khám và điều trị HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc ARV qua nguồn Quỹ BHYT. Dự kiến đến hết năm 2019 sẽ có 48.000 bệnh nhân nhận thuốc ARV từ BHYT
Trong vòng 10 năm qua, toàn bộ quá trình điều trị ARV bệnh nhân nhiễm HIV đều được tài trợ từ nguồn quốc tế. Hiện cả nước trên 115 nghìn người nhiễm HIV đang được điều trị ARV và con số này sẽ ngày một tăng. Trong khi đó, nguồn viện trợ quốc tế đã kết thúc vào năm 2018. Do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo chi trả thuốc ARV qua Quỹ Bảo hiểm y tế để tiếp tục giảm gánh nặng cho người bệnh và góp phần đảm bảo tính bền vững cho công tác phòng chống HIV/AIDS.
Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời, nếu không tham gia BHYT, người có HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hằng năm. Vì vậy, điều trị ARV thông qua BHYT sẽ là nguồn tài chính bền vững để người có HIV tiếp tục được điều trị với chi phí hợp lý và phù hợp với hầu hết người dân Việt Nam.
Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, người nhiễm HIV sẽ tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng đã quy định trong Luật BHYT. Hiện nay tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT tăng lên nhanh chóng, từ 30% năm 2015 lên 90% hiện nay. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT.
VOV dẫn lời ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết, trước đây rất nhiều bệnh nhân HIV bỏ nhà ra đi, không có giấy tờ tùy thân nên không thể tham gia bảo hiểm y tế. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành thông tư tháo gỡ vướng mắc này nên hiện nay tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế đã chiếm 90%, gấp 3 lần so với 4 năm trước.
Trong hướng dẫn gần đây của Bộ Y tế đã tháo gỡ khó khăn. Ví dụ, với những người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân, không có hộ khẩu thì sẽ cung cấp ảnh để dán vào thẻ bảo hiểm y tế. Những người nhiễm HIV thì không nhất thiết tham gia BHYT theo hộ gia đình mà chỉ cần thông qua các Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, thành phố và các cơ sở điều trị để lập danh sách hỗ trợ tham gia BHYT.
Bá Di (Tổng hợp)