Ngày tết, trẻ nhỏ khoanh tay mừng tuổi người lớn, người lớn gửi cho trẻ chút “lộc may mắn”, như lời cám ơn và cầu chúc đứa bé mau lớn.
Người trẻ thành đạt trở về thăm quê cũng lì xì cho người già, cha mẹ. Đóng “mác” lì xì nhưng thực chất là một cách để tỏ lòng hiếu thảo với người lớn.
Đang làm tại nhà máy sản xuất cà phê Trung Nguyên ở Dĩ An (Bình Dương), chị Ngọc Bích kể một câu chuyện không vui về lì xì: “Hôm qua mùng 1, mẹ tôi đang sống ở Huế được ông anh họ đi xe hơi riêng từ Lâm Đồng về thăm và lì xì... tờ 2 đô la. Tôi cảm thấy tự ái, không vui khi ông anh họ giàu sụ, ở nhà lầu và kinh doanh thành đạt, lâu ngày về quê thăm viếng họ hàng, lại đi lì xì cho mẹ tôi tờ 2 đô la như vậy”.
Chị Ngọc Bích nói rõ lý do mình không hài lòng khi mẹ ruột được lì xì tờ 2 đô la: “Nếu anh ấy lì xì cho tôi tờ hai đô đó thì không vấn đề gì. Mẹ tôi là nông dân, đầu tắt mặt tối, thì tờ 2 đô la đó đâu có ý nghĩa? Tờ 2 đô la đó chỉ phù hợp cho những người sống ở thành phố, lưu giữ làm kỷ niệm. Người ở quê thì chỉ là tờ giấy, chẳng có giá trị gì. Tôi nghĩ chuyện lì xì phải tùy đối tượng mà mình bỏ tiền vào bao đỏ ít nhiều cho phù hợp hơn”.
Theo chị Ngọc Bích : “Ngày tết nếu gặp trẻ nhỏ hàng xóm thì tôi lì xì 10.000 đồng, hoặc là 20.000 đồng. Con cháu ruột thịt thì có thể 200.000 đồng, rất bình thường. Ở tuổi tôi, đa số bạn bè đều có con cái. Đứa này lì xì cho con đứa kia là thông lệ và không cần phải nhiều tiền. Tôi không tập cho con nhỏ thói quen xài tiền”.
Ngồi bên cạnh đó, chị Mộng Tuyền nêu quan điểm về lì xì: “Tôi nghĩ nên giữ tập tục lì xì. Phải coi chuyện lì xì là lộc đầu năm, nhiều ít không quan trọng. Đừng tự tạo áp lực cho mình bằng cái tôi và sĩ diện quá lớn. Đừng sai lầm nghĩ rằng phải lì xì nhiều tiền cho trẻ con thì mới thể hiện sự thành đạt, chứng tỏ sự hào phóng”.
Anh N.H.Q., hiện đang công tác cho một công ty truyền thông kêu trời vì năm nay công ty thưởng… ít. Lý do khiến anh đau đầu là vì tết này phải về Bến Tre ra mắt họ hàng bên vợ sắp cưới, rất đông trẻ nhỏ. Chàng rể tương lai bị áp lực phải “chơi đẹp” cho nở mày nở mặt vợ sắp cưới.
Anh Q. than vãn: “Ở quê không như thành phố. Người lạ đến nhà, con nít trong dòng họ xúm ra mừng tuổi. Tụi nhỏ khoanh tay, mình không móc bao đỏ ra thì rất kỳ cục. Lì xì bây giờ ít nhất cũng 50.000 đồng, 100.000 đồng coi mới được. Con nít bên dòng họ vợ tôi đông cả hai chục đưa, bấy nhiêu bao đỏ là mất hết mấy triệu đồng rồi".
Anh B.A.T., nhân viên văn phòng tại một công ty ở TP.HCM chia sẻ: “Lì xì không bắt buộc nhiều, ít. Chỉ cần tượng trưng. Nhưng con nít thường vô tư, đôi lúc mở bao lì xì ra xem bao nhiêu tiền tại chỗ, ngay trước mặt người lớn. Nếu thấy trong bao đỏ chỉ 5000 đồng-10.000 đồng, mặt chúng tiu nghỉu, cũng làm cho người lì xì rất mất mặt”.
“Lì xì nhiều thì không khả năng, lì xì ít thì lại khó coi là vậy. Người có thu nhập cao thì không vấn đề gì, nhưng nếu là công nhân có thu nhập thấp thì quả là một áp lực lớn. Không có sẵn bao lì xì trong người, đôi lúc cũng ngại đến nhà bạn bè có con nhỏ. Không thể nào người lớn đứng trơ trơ ra sau khi trẻ nhỏ chúc tụng, mừng tuổi, ngượng chết đi được”, anh T. nói thêm.
Chị Thúy (quê ở Tiền Giang, sống và làm việc ở TP.HCM chia sẻ: “Tết đến công ty của tôi thưởng lương tháng 13, được 5 triệu đồng. Ngày hôm qua về quê, tôi lì xì cho 5 đứa cháu nghèo, mỗi đứa 500 ngàn, đã đi hết 2.500.000 đồng rồi. Lâu ngày gặp, con cháu mừng, không lì xì cũng không được. Cắn răng lì xì, đã đi đứt hết nửa tháng lương”.
Lê Ngọc Dương Cầm