Đại gia Đường “bia” là ai?
Công ty TNHH Hòa Bình chính thức thành lập vào năm 1993 với số vốn điều lệ là 415 tỷ đồng, trụ sở chính tại số 202H Đội Cấn, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội, hiện có 7 công ty thành viên, hoạt động trong các lĩnh sản xuất thép, sản xuất bia và nước giải khát, in ấn và sản xuất bao bì, đầu tư bất động sản…
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Hoà Bình, người được gọi với cái tên “đại gia Đường bia” vốn là một cựu chiến binh xuất ngũ năm 1979.
Ông Đường làm việc tại đây cho đến năm 1989. Trong quá trình đạp xích lô, ông Đường được giao phụ trách một tổ vận chuyển khoảng 10 người chuyên chở bia cho các cơ quan. Trong những năm chở bia ông kiếm được số tiền cũng kha khá vì khi đó bia là của hiếm và lại được trả công bằng bia.
Sau khoảng 10 năm đạp xích lô chở bia thuê trong HTX vận chuyển bia của công ty Bia Hà Nội, năm 1987 khi Nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế, với vốn học mót kinh nghiệm làm bia, ông Đường đã đứng ra lập tổ hợp Thương binh nặng Hòa Bình. Trên cơ sở đó đến năm 1993, công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình ra đời, đây là doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội và là đơn vị thứ hai làm bia sau công ty Bia Hà Nội.
Sau đó, phát hiện ra nhiều công ty nước ngoài bán malt (hạt đại mạch nảy mầm đã qua chế biến dùng để sản xuất bia) kém chất lượng vào Việt Nam, ông Đường quyết định đổ 250 tỷ đồng vào xây dựng nhà máy sản xuất malt đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á vào năm 2002.
Nhà máy đặt tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), áp dụng công nghệ hiện đại bậc nhất của CHLB Đức và sản phẩm malt làm ra không thua kém gì so với malt nhập khẩu.
Trải qua hơn 20 năm trên thương trường về kinh doanh bia, ông Nguyễn Hữu Đường, ông chủ của Hòa Bình Group đã được nhiều người biết đến với sản phẩm bia của ông, rồi họ thường gọi ông với cái tên thân thiện là “Đường bia, Đường malt”, nhưng giờ đây ông Đường lại đang tâm huyết với lĩnh vực kinh doanh mới là bất động sản.
Dát vàng khách sạn và bể bơi vô cực đầu tiên ở Việt Nam
Ông được xếp ngang hàng với các đại gia có tên tuổi tại Hà Nội khi là ông chủ và rất thành công với dự án đầu tay là tháp đôi Somerset Hòa Bình (106 Hoàng Quốc Việt, giá thuê căn hộ dịch vụ ở đây cao nhất nhì Hà Nội), chung cư cao cấp khu Vĩnh Phúc, Ba Đình và nay là Hòa Bình Green City (505 Minh Khai).
Ông Đường cho biết, ông đã đi nhiều nước trên thế giới và nhận thấy, nếu như Khách sạn Swisshorn Gold Palace tại Hồng Kông chỉ phủ vàng nội thất; Khách sạn Trump International tại Lasvegas chỉ phủ vàng bên ngoài; Khách sạn 7 sao Buji Al-Arab tại Dubai chỉ phủ vàng hành lang và thang máy thì ở khách sạn Hà Nội Golden Lake ông phủ vàng từ nội thất đến ngoại thất tòa nhà.
Không chỉ toàn bộ mặt ngoài công trình được ốp gạch phủ vàng mà các chi tiết lan can, chỉ, phào, cột cũng đều được dát vàng 24k; không gian nội thất các tầng dịch vụ và sảnh khách sạn cùng các trang thiết bị nhà vệ sinh; dụng cụ ăn uống đều dát vàng; bể bơi vô cực bốn mùa trên mái nhà cũng được phủ vàng 24K.
Ông Đường cho biết ông muốn biến khách sạn này không những là một khách sạn sang trọng bậc nhất Thủ đô Hà Nội mà còn là điểm đến du lịch, điểm check –in với các du khách quốc tế. Bởi khách sạn sẽ là khách sạn "độc nhất vô nhị" được phủ vàng cả trong và ngoài trên thế giới. Và ông cũng đang làm hồ sơ để Guinness công nhận điều này.
Công trình cao 25 tầng nổi, 4 tầng hầm, tầng 1 đến 5 là không gian tổ chức sự kiện, cùng các nhà hàng Âu, Á, chăm sóc sức khỏe…Từ tầng 5 đến tầng 25 là diện tích cho 378 căn với hơn 440 phòng ngủ sang trọng, đặc biệt là khách sạn có bể bơi vô cực dát vàng ở độ cao 90m trên nóc tòa nhà.
Lúc đó, không ít người nghĩ đây chỉ là chiêu đánh bóng tên tuổi, nhưng ông Đường làm thật dù chi phí cho dát vàng thành lan can của mỗi căn hộ tốn thêm 20 triệu đồng và người mua nhà lại không phải trả tiền.
Năm 2015, đại gia bất động sản Đường bia lại tiếp tục gây sốc dư luận khi quyết định đầu tư xây dựng chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) thương hiệu V+ trên khắp cả nước để miễn phí tiền thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam. Mô hình này được ông áp dụng ban đầu với 25.000m2 sàn TTTM thương hiệu V+ ở dự án Hòa Bình Green City.
Lý do mà ông Đường đưa ra cho kế hoạch này là bởi ông muốn hỗ trợ ngành sản xuất trong nước phát triển, cạnh tranh với các công ty nước ngoài mà ông cho rằng hiện đang chiếm lĩnh thị trường. Cũng chính vì lý do này mà ông Đường đã quyết định “lấn sân” sang lĩnh vực nước ngọt có ga mà chỉ có Coca Cola và Pepsico hiện đang chiếm lĩnh 100% thị phần Việt Nam.
Những năm gần đây, Hòa Bình lấn sân sang kinh doanh bất động sản và nhanh chóng sở hữu nhiều dự án đình đám tại Hà Nội, Đà Nẵng... Trong đó, phải kể đến trước tiên chính là dự án Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng, còn gọi là khách sạn Vịnh Vàng.
Tổ hợp quy mô 1.000 căn hộ và khách sạn 5 sao trên khu đất 12.627m2 ngày dưới chân cầu Thuận Phước (ngay sông Hàn nhìn ra biển và bán đảo Sơn Trà).
Điều khiến người ta ngỡ ngàng là khả năng "chơi trội" của ông chủ Hòa Bình Group khi xây bể bơi vô cực lớn nhất Việt Nam trên nóc tòa nhà này. Không những thế, ông Đường còn xây cả một khu công viên gồm 10 kỳ quan thế giới thu nhỏ, trong đó Tháp Rùa, Khải Hoàn Môn, Kim Tự Tháp được dát vàng 24K. Toàn bộ lan can căn hộ cũng được dát vàng 18K, các thiết bị vệ sinh, khoá cửa đều được phủ vàng 24K.
Bán đấu giá lâu đài
Tối 21/6/2019, tại lễ mở bán 2 dự án khách sạn – căn hộ của tập đoàn này là Hà Nội Golden Lake và Hội An Golden Sea tại Hà Nội, đại gia Đường bia tiết lộ sẽ bán đấu giá lâu đài của vị đại gia này thuộc dự án Hội An Golden Sea tại bãi biển An Bàng.
Tổng diện tích sử dụng của lâu đài hơn 500m2, gồm tầng hầm 190m2, tầng 1 diện sàn 178m2 và tầng 2 có diện tích 173m2. Tầng mái được lợp gói phủ vàng 24k.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Lạc Việt, giá khởi điểm lâu dài này là 10 triệu USD. Hiện lâu đài đang được xây dựng đến tầng 2 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12 tới sẽ được đem ra đấu giá. Đặc biệt, toàn bộ số tiền thu được từ đấu giá lâu đài dát vàng sẽ được sử dụng để gây quỹ từ thiện khắc phục hậu quả chiến tranh do ông Đường sáng lập. Quỹ này sẽ hỗ trợ các thương binh trước tiên ở hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Ngãi.
Minh Lan (Tổng hợp)