Vào mùa vải, có 2 tin khiến tôi bị thu hút, một là bài báo của vị Bộ trưởng trên một tờ báo ngành. Vốn dĩ cảm tình với ông từ khi còn làm Bí thư một tỉnh phía Nam, tôi đọc ngay. Và trời ạ, hay, hấp dẫn như của một nhà báo chuyên nghiệp, mà nhà báo giỏi ấy, chứ nói thật, có “thần đèn” 21/6 chứng giám, nhiều người mang danh nhà báo, cũng đang hân hoan Ngày Nhà báo trên mạng xã hội, nhưng viết báo chán lắm, viết báo như báo... cáo.
Ông viết về vải Lục Ngạn chuẩn bị vào mùa. Sẽ lướt qua, không biết đấy là bài của vị Bộ trưởng dẫu có tên ông (nhưng không mở đóng ngoặc đơn ghi hàng dãy chức vụ như một số báo khác), mà cái chính tờ báo ấy trình bày Emagazine, thấy ảnh ông nên mới biết.
Và 2 là cái tin cũng rất thú vị, rằng một gia đình ở Lục Ngạn đám cưới cho con, và kết cái cổng hoa bằng... vải. Thú vị quá, thế thì, “xách ba lô lên và đi” thôi.
Thì đúng là, tới Lục Ngạn ấy, trên là trời dưới là... vải. Và chuyện tắc đường đừng có nghĩ là độc quyền của Hà Nội với Tp.HCM nhé. Lục Ngạn cũng tắc đường, và tắc nặng. Ơn giời, nó chỉ tắc một lúc buổi sáng, và ở đoạn đường có điểm thu mua vải thôi.
Sáng sớm các chiến sĩ cảnh sát giao thông đã mướt mồ hôi điều tiết. Tôi cũng dậy sớm, xách máy ảnh đi săn... tắc đường vì vải. Ông chủ tịch huyện Lục Ngạn có bài thơ “Dòng sông đỏ” viết về vải mùa... tắc đường này, và được một nhạc sĩ phổ nhạc. Tắc đường mà sung sướng, mà hân hoan. Mà đúng là cả một đoạn đường dài xe máy chở vải ken nhau, chả như dòng sông đỏ thì như cái gì?
Tôi có một tuổi thơ đi sơ tán ở xã Châu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Ở đấy cũng có vải, những cây vải rất to đầy ở bờ sông nên không lạ gì vải. Nhưng tới đây thì lạ, ấy là, người ta trồng vải như trồng... rau. Những cây vải nhỏ, thấp, trĩu quả.
Té ra có hẳn một kỹ thuật để làm cho cây vải nhỏ và sai quả. Nhỏ nó có ít nhất là 2 tác dụng, một là chiếm ít đất hơn, tức là cùng một diện tích đất trồng được nhiều gốc vải hơn. Và 2 công hái cũng ít hơn, chỉ đứng dưới đất mà hái. Ở chỗ tôi sơ tán ngày xưa, người ta phải dùng thang tre dài, và còn phải đóng bậc vào cây vải để leo lên, dùng sào gắn rọ để hái...
Trong sân trụ sở Ủy ban nhân dân huyện cũng có mấy cây vải lúc lỉu trái. Chúng tôi ôm gốc để... chụp ảnh và hái ăn ngon lành dù gốc có cái biển: Không hái vải. Anh Phó văn phòng bảo, nhưng các anh thì cứ nếm.
Hôm chúng tôi đến đang có 2 sự kiện, một là lễ hội “Du lịch Lục Ngạn mùa vải chín”, và 2 là vừa ký kết được cái kế hoạch vận chuyển vải sang Trung Quốc bằng tàu hỏa.
Lại nhớ trong bài báo của vị Bộ trưởng, ông chủ trương đưa chợ về... vườn. Ông cho biết “có khoảng 30 Hợp tác xã tiếp cận “du lịch nông nghiệp”, hoặc “nông nghiệp du lịch”, tuỳ theo cấp độ, để đem đến hoạt động trải nghiệm đặc sản vải thiều nơi đây. Mô hình “Cây vải vườn nhà” thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, từng thân cây được gắn mã số, thông tin định danh, có cây đã được đặt mua trọn 2 năm”. Và ông cũng đặt mua một cây vải với giá hình như là 10 triệu đồng.
Vốn dĩ nó là giống vải Thanh Hà, Hải Dương. Những người Hải Dương lên đây sinh sống đã mang theo giống vải lên trồng trong vườn cho đỡ nhớ quê. Nhưng té ra- rồi- rằng- thì- là, tới một ngày tên vải Lục Ngạn lại át cả Hải Dương. Bây giờ qua thời gian, cây vải Hải Dương đã được lai tạo để trở thành Lục Ngạn, và vẫn có vải Hải Dương nguyên bản. Dân Lục Ngạn rất tinh, phân biệt rất rõ vải nào Lục Ngạn vải nào Hải Dương.
Chúng tôi được đưa vào vườn vải của gia đình anh Ngô Văn Hùng, Phùng Thị Vinh ở Hố Hùm, xã Thanh Hải. Nghe cái tên nó đã có thể hình dung xứ này xưa thế nào. Hùm tiếng ở đây để chỉ con hổ, cọp. Hùm thiêng Yên Thế là gọi cụ Đề Thám.
Từ thời bố mẹ, tới giờ là anh chị, cứ thế trằn mình ra khai bạt những quả đồi, chủ yếu trồng bạch đàn. Và giờ, nó thành những đồi vải bạt ngàn. Vườn anh chị này ký được hợp đồng sang thị trường châu Âu, vừa đồng nghĩa có đầu ra ổn định nhưng cũng tức là vấn đề kỹ thuật và chất lượng phải hết sức nghiêm ngặt.
Tôi có hỏi đồi rộng thế có thả... gà không? Gà đồi Yên Thế (Bắc Giang) nổi tiếng mà. Cứ thả thế, ngày chạy kiếm ăn, tối đậu trên cây ngủ mà thành thương hiệu gà, anh chị này bảo không được ạ, quy trình rất nghiêm ngặt, không thể du di được.
Thực ra vải Lục Ngạn mấy năm nay “hân hoan” hẳn lên là nhờ giải quyết được vấn đề đầu ra. Cả hệ thống chính trị từ xã, huyện, tỉnh vào cuộc. Bộ cũng vào cuộc, thì ngay Bộ trưởng về tận nơi rồi có bài báo ấy. Thế nên quả vải lên ngôi.
Nhớ tháng trước tôi lên Sơn La, cái tỉnh xưa nghèo có tiếng, giờ cũng trở thành một tỉnh nổi tiếng nhờ cây trái. Thấy có vẻ như các loại cây trái nổi tiếng của khắp nước đều được quy tụ về đây. Và quan trọng là, trước khi quy hoạch Sơn La thành vườn cây khổng lồ, tỉnh đã xây dựng ở đây một nhà máy chế biến thực phẩm.
Lâu nay nhiều nơi cứ hô hào bà con nuôi con này trồng cây kia, nhưng điều sơ đẳng nhất lại... quên, là bán ở đâu, ai mua, tức là đầu ra. Mấy năm trước thấy báo chí đưa tin đích thân lãnh đạo tỉnh này tỉnh kia đi tiếp thị sản phẩm cho bà con nông dân. Giờ thấy nhỡn tiền công dụng của những việc tưởng như viển vông ấy.
Đi vài ngày, học được bao điều là thế.
Còn nhiều điều thú vị nữa, nhưng khuôn khổ bài báo chỉ được có thế, thôi đành... cất lại.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.