Trưởng phòng Ngân quỹ xuất thân từ… bảo vệ (!)
Ngày 3/12, TAND TP.HCM tiếp tục ngày làm việc thứ 5 phiên tòa xét xử đại án thất thoát trên 3.600 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).
Vụ án xét xử Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch hội đồng Tín dụng DongABank); Nguyễn Thị Kim Xuyến, nguyên Phó Tổng Giám đốc DongABank và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) cùng 23 bị cáo khác về các tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trả lời các câu hỏi của luật sư, nhiều bị cáo khai chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên, không biết bản thân tiếp sức cho lãnh đạo, không biết mình phạm tội và không được hưởng lợi.
Trong số các bị cáo bị xét hỏi trong phiên tòa sáng nay, ông Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DongABank) bị cáo buộc nhiều hành vi phạm tội với số tiền làm thất thoát lên đến hơn 3.100 tỷ đồng
Cụ thể, theo cáo trạng, ông Vinh đã xuất quỹ chi sai nguyên tắc 1.160 tỷ đồng để mua 74,2 triệu cổ phần DAB, chi sai nguyên tắc 494,6 tỷ đồng liên quan Phan Văn Anh Vũ; chi sai nguyên tắc 326,3 tỷ đồng để sử dụng mục đích khác; xuất khẩu vàng trái phép 611,6 tỷ đồng.
Bị cáo này còn bị truy tố vì hành vi xuất toán khống 53,4 tỷ đồng khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh; tất toán khống 2,4 tỷ đồng khoản vay của Nghiêm Thị Hồng; thu khống 31,2 tỷ đồng thanh toán tiền hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán; chi lãi ngoài 467,8 tỷ đồng.
Trước tòa, Vinh thừa nhận hành vi phạm tội đồng thời giải thích nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do tuân thủ mệnh lệnh cấp trên.
"Nếu bị cáo không làm thì về nhà, mà về nhà thì làm gì nuôi sống vợ con nên phải chấp nhận", Vinh trình bày.
Điều bất ngờ, Vinh khai trước khi làm thủ quỹ thì anh ta chỉ là nhân viên bảo vệ. Qua thời gian "học lỏm" rồi được hướng dẫn nên lãnh đạo lúc đó giao cho Vinh quản lý ngân quỹ. Trong quá trình làm thủ quỹ, Vinh làm theo công việc do Trần Phương Bình chỉ đạo, chỉ biết thu chi tiền VNĐ theo chứng từ.
"Giờ bị cáo mới biết khái niệm thu khống. Còn việc tất toán, thu vay, hạch toán thì của bộ phận ngân quỹ làm", Vinh nói.
Xác nhận lời khai của bị cáo Nguyễn Đức Vinh, ông Trần Phương Bình khai: "… Vinh vì quá tin tưởng bị cáo, nghe theo lời bị cáo mà thực hiện hành vi dẫn đến bị khởi tố. Bị cáo ân hận vì đưa Vinh và nhiều bị cáo khác đứng trước tòa trình bày hành vi vi phạm của mình. Bị cáo gửi lời xin lỗi đến các bị cáo là nhân viên DAB".
Nguyên Phó Tổng giám đốc DAB đồng thời là bạn học của ông trần Phương Bình – bà Nguyễn Thị Kim Xuyến cũng nói: "Đến ngày hôm nay, bản thân tôi cũng rất ân hận vì hiểu biết sai lệch của mình đã làm ảnh hưởng đến bị cáo Vinh và anh em trong ngân hàng. Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới Vinh và các anh chị em trong ngân hàng đã vì tôi mà vi phạm các quy định của Nhà nước”.
Nhưng rất tiếc, lời xin lỗi của hai vị lãnh đạo cấp cao này đã quá muộn màng đối với một nhân viên "mẫn cán, trung thành" như ông Nguyễn Đức Vinh.
Khổ như… nhân viên ngân hàng!
Tình trạng phải ra hầu tòa chỉ vì quá tin tưởng và phục tùng lãnh đạo không chỉ xảy ra đối với ông Nguyễn Đức Vinh trong vụ xét xử ngân hàng Đông Á mà đã có tiền lệ đối với nhiều nhân viên nhà băng khác trong các vụ án ngân hàng xảy ra trước đây.
Còn nhớ năm ngoái, vụ xét xử sai phạm của cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) – ông Hà Văn Thắm cùng đồng phạm cũng đã xảy ra tình huống tương tự. Hàng loạt thuộc cấp của ông Thắm, từ các Trưởng/Phó Giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch đến nhân viên trực tiếp phải ra hầu tòa vì thừa hành mệnh lệnh của lãnh đạo, chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền.
Nhiều người trong số họ không biết như vậy là vi phạm pháp luật về chi vượt trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định, mà chỉ nghĩ đơn giản đã đi làm là phải phục tùng mệnh lệnh cấp trên và cấp trên chịu trách nhiệm về các quyết định điều hành đó.
Trong lời nói sau cùng trước khi tòa tuyên án, cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm nghẹn ngào nhắn nhủ tới các đồng nghiệp: “Thưa các bạn đồng nghiệp từ Bắc vào Nam, đặc biệt những bị cáo đang ngồi đây, chúng ta trước đây thường hay nói cùng ngồi chung một con thuyền và tôi là thuyền trưởng, nhưng rất tiếc là thuyền trưởng này lại rơi xuống đầu tiên để lại các bạn với rất nhiều khó khăn, áp lực, thậm chí có bạn cũng vướng vòng lao lý như tôi. Cho phép tôi gửi lời xin lỗi đến bạn và gia đình các bạn".
Trong khi xã hội vẫn nhìn ngành ngân hàng bằng con mắt ngưỡng mộ với công việc ngồi máy lạnh, đếm tiền, nhận lương “khủng” vài chục triệu mỗi tháng thì ngày càng nhiều nhân viên ngân hàng phải "dứt áo ra đi" vì không chịu được áp lực công việc và quá sợ hãi trước nỗi ám ảnh vướng vào vòng lao lý của nhiều người đi trước.
Theo một báo cáo mới đây về nhân sự ngành ngân hàng của Navigos Group, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người e ngại làm việc tại ngân hàng bên cạnh khối lượng công việc nhiều, áp lực chỉ tiêu cao thì còn là ngành ngân hàng có độ rủi ro cao về pháp lý.
H.Y (tổng hợp)