Nhà văn Hồ Anh Thái, một “con mọt phim” hạng nặng, nhắn tin cho tôi khi đang xem “Bên trong vỏ kén vàng”, phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân: “Bên trong vỏ kén vàng, phim đoạt Camera vàng ở Cannes. Lần đầu tiên có phim Việt Nam đoạt giải cao như thế. (Trần Anh Hùng thì không phải Việt Nam). Tìm lịch chiếu của rạp CGV và xem ngay đi. Có rạp mỗi ngày chỉ chiếu một buổi, chắc sắp dẹp mất rồi”.
Nội dung của tin nhắn không khiến tôi ngạc nhiên. Số phận của các phim điện ảnh Việt Nam được giới chuyên môn nhận định là phim “nghệ thuật” vẫn thường hẩm hiu vậy. Tựa như một định mệnh tàn nhẫn. Đến mức dẫu có tắm cho phim trong hào quang của các giải thưởng quốc tế lớn nhỏ thì cũng không sao giúp chúng thoát khỏi cái kiếp ế ẩm khi trở về công chiếu trong nước. Cannes vĩ đại là thế, nhưng có vẻ vẫn thua xa phim của Trấn Thành nếu xét về sức lôi kéo khán giả đến rạp. Dường như đại đa số khán giả Việt Nam không ưa phim “nghệ thuật” thì phải?
Ngẫu nhiên, từ trường hợp của “Bên trong vỏ kén vàng”, tôi nghĩ đến “Nightcrawler” – dịch là “Kẻ săn tin đêm” hoặc “Kẻ săn tin đen” đều được – một phim điện ảnh của Mỹ do Dan Gilroy viết kịch bản kiêm đạo diễn, nam tài tử “Người nhện xa nhà” Jake Gyllenhaal thủ vai chính. Phim được công chiếu tại Hoa Kỳ từ 5 tháng 9 đến 31 tháng 10 năm 2014, mức đầu tư 8,5 triệu USD, đạt doanh thu 50,3 triệu USD.
Với mức đầu tư (thuộc loại thấp so với mặt bằng phim Mỹ) và con số doanh thu như vậy, có thể nói, “Kẻ săn tin đêm” là một bộ phim thành công về phương diện phòng vé. Và nó cũng nhận được những cơn mưa lời khen từ giới phê bình điện ảnh Hoa Kỳ, cho dẫu không hoàn toàn là phim có những đột phá về ngôn ngữ điện ảnh, mang đậm dấu ấn cá tính đạo diễn, như chúng ta vẫn quen hình dung về phim “nghệ thuật”. Lời giải cho sự thành công ấy nằm ở hai yếu tố: diễn xuất tuyệt vời của Jake Gyllenhaal và kịch bản rất lôi cuốn, hấp dẫn của Dan Gilroy.
“Kẻ săn tin đêm” kể về một kẻ đi săn trong đêm, tên Lou Bloom. Không phải săn người hay săn thú, mà là săn tin. Săn những vụ tai nạn giao thông, những vụ ẩu đả, những án mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đêm Los Angeles. Lou nhanh nhẹn và tinh ranh, luôn có mặt tại hiện trường đúng lúc, thậm chí có mặt trước cả khi cảnh sát xuất hiện. Hắn sẵn sàng thay đổi hiện trường sao cho có được những cảnh quay ưng ý nhất, để bán cho các kênh truyền hình. Và nếu cần, hắn cũng dám giấu chứng cớ để phục vụ cho lợi ích riêng của mình. Tất cả là vì tiền. 15.000 USD cho vài phút phim có cảnh ba xác người bị bắn chết, máu đọng thành vũng, máu vương vãi khắp sàn nhà và cầu thang. Đó là một số tiền rất lớn, đủ để người ta đánh cược sự an toàn của bản thân vào những cuộc săn tin đầy nguy hiểm, còn trong trường hợp Lou, đủ để hắn bán tất lương tâm và đạo đức nghề nghiệp của mình (cho dẫu Lou chỉ là kẻ săn tin tự do chứ không phải nhà báo “có thẻ”, chính danh).
Khán giả có thể phê phán Lou, nhưng đừng quên: không phải cái gì khác, chính sự khát tin giật gân của công chúng mới thực là đất sống cho những kẻ như Lou và truyền thông đen.
“Kẻ săn tin đêm” được công chiếu ở Việt Nam cuối tháng 11 năm 2014. Tôi không nắm rõ nó được chiếu bao nhiêu buổi và đạt doanh thu thế nào. Nhưng chắc chắn là kết quả không tệ như “Bên trong vỏ kén vàng”. Bởi vì đại đa số khán giả Việt Nam sẽ sẵn lòng xem những bộ phim có cốt truyện ly kỳ hồi hộp như “Kẻ săn tin đêm” hơn là bỏ thời gian vào rạp thưởng thức những bộ phim “nghệ thuật” mông lung mộng mỵ như “Bên trong vỏ kén vàng”.
Tuy nhiên, nếu mục đích của các nhà làm phim “nghệ thuật” chủ yếu là để đấu giải quốc tế, thì việc khán giả trong nước nồng nhiệt hay lãnh đạm với bộ phim cũng không còn là điều quan trọng nữa. Đó cũng là lúc phim giải trí sẽ hoàn toàn thống trị điện ảnh Việt Nam.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.