Từ bỏ "khói trắng", mảnh đất biên cương hồi sinh

Từ bỏ "khói trắng", mảnh đất biên cương hồi sinh

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 4, 04/10/2017 12:00

Cái sức hút mê hoặc từ sự hoang sơ, những cung đường gập ghềnh giữa trập trùng mây bay biên giới đã đưa chân tôi đến với mảnh đất nổi tiếng là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” - huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Ám ảnh những cơn phê thuốc

Nơi đây, người dân tộc Mông gắn bó và bám trụ, giữ đất, giữ rừng từ bao đời. Tôi đã gặp chàng trai người Mông không biết chữ nhưng thông thạo đủ những văn hóa bản địa và “bắt” được vợ chỉ với 500 nghìn đồng. Lần này, có dịp trở lại vùng cao đầy duyên nợ, những câu chuyện của Sùng A Hờ (SN 1984, thôn Ngải Chồn, xã Y Tý, huyện Bát Xát) vẫn cứ cuốn hút tôi như lần đầu gặp gỡ.

Mê mẩn vùng đất Y Tý quanh năm mây phủ

Qua những câu chuyện phiếm với A Hờ được biết, cây thuốc phiện đã từng trở thành nỗi ám ảnh với cái đói, cái nghèo của chàng trai người Mông ấy. Nhưng từ khi Nhà nước cấm và thường xuyên vận động, cử cả cán bộ, biên phòng về tận bản nói chuyện với bà con, những đồng tiền làm ra không còn dính dáng gì đến màu khói trắng.

Xã hội - Từ bỏ 'khói trắng', mảnh đất biên cương hồi sinh

Sùng A Hờ chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin những câu chuyện đầy cuốn hút về vùng cao Y Tý. (Ảnh: Dương Thu).

 

Cuộc sống của mỗi gia đình dần hồi sinh và trở nên yên bình, hạnh phúc. Dù vậy, mỗi lần nhớ lại, A Hờ vẫn không khỏi rùng mình. “Càng sợ thì càng phải nói ra để con mình, cháu mình không bao giờ còn dính líu đến cây thuốc phiện nữa”, A Hờ nói.

Anh kể, ngày nhỏ, không nhớ là năm bao nhiêu tuổi, gia đình anh đã từng sống lệ thuộc vào cây thuốc phiện. Hỏi nguồn gốc ở đâu, vì sao lại trồng nó, Hờ thật thà nói “cũng không biết, chỉ nhớ là có người mua và bán nó được tiền, thế là ham hố trồng thôi”. Đời ông nội của Hờ, rồi đến đời cha Hờ, cây thuốc phiện từng như một “cứu tinh”, vừa hút, vừa có thể giúp kiếm được tiền. Trong khi đó, cuộc sống nương rẫy quanh năm một mùa lúa, hầu như không làm gì ra tiền. Nuôi được con gà, con lợn cũng không biết bán cho ai vì nhà nào cũng có, nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa gần như xa lạ.

“Ngày xưa, cuộc sống nghèo khó lắm, nên cứ đắm đuối với cây thuốc phiện, không dứt ra được. Càng nghèo, càng đường cùng thì càng bị “con ma” ấy dẫn lối đưa đường. Không có cái chữ, không được hiểu biết rộng rãi, nhiều người rồi cũng chết vì nghiện ngập. Những cơn “phê” triền miên khiến họ không màng đến con trâu, đồng lúa, ngay cả gia đình cũng không là gì cả. Ông nội tôi cũng từng là đệ tử nàng tiên nâu và chết vì nó”, A Hờ nhớ lại.

Xã hội - Từ bỏ 'khói trắng', mảnh đất biên cương hồi sinh (Hình 2).

Cuộc sống của người dân Y Tý từ lâu đã yên bình vì không còn dính dáng đến thuốc phiện. (Ảnh: Dương Thu).

 

Rồi Hờ kể, ngày nhỏ theo bố và ông nội lên nương ở tít trên những ngọn núi cao, xa nhà để trồng cây thuốc phiện. Cây cao bằng đầu người, mỗi mùa thu hoạch, số thuốc phiện đủ để cả nhà ngất ngây quanh năm và còn có người thu mua, bán được tiền. “Có tiền trong tay rồi cũng không biết tiêu gì, dắt con ngựa đi bộ 3 ngày 3 đêm xuống trung tâm huyện Bát Xát mua muối về nhà dùng”, Hờ nói.

Quãng đường từ trung tâm huyện Bát Xát lên đến xã Y Tý chừng 70km, bây giờ có đường, đi xe máy, nhanh thì 1,5 tiếng, chậm thì 2 tiếng, người miền xuôi lên lần đầu chưa quen thì có thể đi mất 3 tiếng đồng hồ. Nhưng trước đây chưa có đường, người dân phải men theo đường rừng mà đi. Xuống chợ cũng không có nhu cầu mua sắm gì ngoài muối, vì tất cả những đồ trong nhà đều có thể tự làm ra.

Xã hội - Từ bỏ 'khói trắng', mảnh đất biên cương hồi sinh (Hình 3).

Mùa lúa chín, Y Tý đẹp mê hoặc. (Ảnh: Sùng A Hờ).

 

“Quần áo có thể tự khâu, tự vá, tự thêu, vải thì tự dệt bằng sợi cây trên rừng, thức ăn có thể tự trồng, tự nuôi. Thế nên cầm tiền đi chợ chẳng biết mua gì, chỉ có muối là thiết thực nhất. Chúng tôi lớn lên, đứa trẻ nào cũng tự biết làm cho mình đôi dép để đi bằng vỏ cây, lấy lá cọ với dây cột chặt với nhau thành áo mưa. Dù mưa to, gió lớn thế nào cũng không lo ướt. Đồ chơi cũng gắn bó với núi, với rừng rồi, có cần mua gì nữa đâu”, Hờ thật thà chia sẻ.

Nhưng trong quãng đời tuổi thơ ấy, có một nỗi ám ảnh mang tên thuốc phiện. Bao nhiêu gia đình tan nát, nhiều người khỏe mạnh phải đổi bằng mạng sống sau khi dính “nàng tiên nâu”. “Ơn Đảng, ơn Nhà nước, được cán bộ chỉ bảo, hướng dẫn, thức tỉnh, chúng tôi cùng bảo nhau từ bỏ cây thuốc phiện và có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc như ngày hôm nay. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bây giờ gia đình nào cũng quyết tâm không lặp lại. Giờ Y Tý chỉ có mây trắng phủ quanh năm chứ không còn màu khói trắng”, A Hờ nói và cười rạng rỡ.

Ước mơ đổi đời

Bây giờ, A Hờ đã bắt nhịp với thời cuộc, tranh thủ cái đẹp, cái độc đáo của quê hương mình mà nghĩ cách làm ăn, có thêm thu nhập. Hàng ngày, anh dẫn khách du lịch leo núi Lảo Thẩn (ngọn núi cao nhất vùng Y Tý này-PV), làm nhà rộng rãi cho dân phượt “tá túc” những ngày khám phá thiên nhiên, con người vùng cao, nấu cho họ những bữa cơm gia đình... Thế là một tháng cũng có đồng ra đồng vào. Tiền tích góp được lại đem mua sắm, đầu tư cho nhà có thêm nhiều phòng hơn, sàn gỗ đẹp hơn, công trình vệ sinh hiện đại hơn, nâng tầm chỗ nghỉ trọ thành mô hình “Homestay” để thu hút khách du lịch. Cứ thế, cuộc sống khá giả dần lên, A Hờ đã sắm cho mình cái xe máy tốt, tậu thêm trâu bò, có kinh tế để con đi học, không thành người mù chữ giống như mình.

Xã hội - Từ bỏ 'khói trắng', mảnh đất biên cương hồi sinh (Hình 4).

Những ruộng bậc thang ngút tầm mắt. (Ảnh: Sùng A Hờ).

 

Hờ có người vợ hiền lành, yêu chồng, thương con như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Bây giờ, người Mông ở vùng cao Y Tý cũng không còn có tư tưởng lấy thêm vợ, sinh nhiều con nữa. “Một người không lái được hai thuyền, nên cuối cùng cũng phải bỏ. Vì thế, không có chuyện lấy nhiều vợ nữa, cán bộ bảo thế”, A Hờ cho biết.

Anh cũng yêu vợ, thương con theo cách riêng của mình. “Vợ tôi không biết tiếng Kinh, tôi mà đi đâu xa mấy ngày thì vợ ở nhà chỉ có khóc thôi. Giờ người dưới xuôi lên đây săn mây, ngắm cảnh nhiều lắm, nên lúc nào cũng phải thường trực ở nhà. Mình học được tiếng Kinh, giao tiếp được, vợ thì chỉ biết nấu những món ngon đãi khách”, A Hờ thật thà nói. Vậy nhưng Hờ cũng có tư tưởng rất tiến bộ, phải đi xa mới biết mình còn nhiều khiếm khuyết, nên có lần Hờ đưa vợ sang mãi vùng Hà Giang chơi, mở mang kiến thức, học cách làm ăn rồi về áp dụng. Mô hình du lịch bụi đã được Hờ chăm chút nên hễ có ai lên Y Tý mùa lúa chín vàng hay săn mây, leo Lảo Thẩn thì đều nhớ tìm đến A Hờ.

Xã hội - Từ bỏ 'khói trắng', mảnh đất biên cương hồi sinh (Hình 5).

Y Tý còn nhiều nét hoang sơ khiến dân phượt rất thích khám phá. (Ảnh: Sùng A Hờ).

 

Những câu chuyện của Hờ cứ cuốn hút mãi, níu chân những người khách lạ. Người Mông nơi đây giản dị, chất phác, hiền lành, có khi, đến ngày tháng năm sinh của con mình cũng không nhớ được cụ thể. Nhưng hơn hết, họ luôn chăm chỉ bám núi, bám rừng, bám vào những ruộng lúa bậc thang để sinh sống và phát triển bền vững. Dù khó khăn và nhiều vất vả, nhưng chân đã quen leo núi, đi rừng, bảo xuống miền xuôi sống e không phù hợp. “Mẹ tôi cũng không nhớ rõ ngày sinh của tôi, bố thì không kể, chỉ nhớ ngày sinh theo các giai đoạn làm ăn, ví dụ như hồi gặt lúa, hồi làm đất... Nhưng điều ấy cũng không quan trọng bằng việc mình biết làm ăn chân chính và không quay lại con đường cũ”, Hờ vui vẻ cho biết.

“Ngày xưa chưa có tủ lạnh, Tết đến, mổ con lợn to chừng hơn 1 tạ, lọc mỡ riêng, rán lên, để vào bình đất nung thì ăn được quanh năm. Bây giờ có tiền, cho con cái đến trường, hiểu biết để trở về xây dựng quê hương, thế là mãn nguyện rồi, chỉ mong chúng nó không mù chữ như mình”, Hờ nói như chính ước mơ của bao người Mông nơi đây.              

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.