1. Ở Jerusalem (Israel) có một bức tường cổ gọi là “Bức tường than khóc” được xây dựng từ thế kỷ 19 trước Công nguyên. Tuy nhiên, người ta đến Bức tường than khóc không phải để… than khóc. Mà tại đây có một phong tục rất thiêng liêng của người Do Thái. Cụ thể, họ sẽ viết một lời cầu nguyện, điều ước mong muốn đạt được nhất vào một mảnh giấy, rồi đặt vào bất kỳ một khe hở nào đó trên bức tường và chờ đợi điều kỳ diệu.
Eden Hazard cũng vậy. Nếu có dịp ghé thăm Bức tường than khóc lúc này, hẳn điều ước anh mong muốn thành hiện thực nhất là giá như đừng đá thẳng vào người cậu bé nhặt bóng Charlie Morgan trong trận Chelsea hòa Swansea 0-0 rạng sáng qua. Cũng vì hành động này, Hazard đã bị tờ Guardian miêu tả là “Hazard Horror”, nôm na là “Hazard của những điều ghê tởm”. Hay nhẹ nhàng hơn như tờ Daily Mail thì bình luận: “Cậu ta không thể đá một cậu bé nhặt bóng theo cách đá với một con vật như thế”. Cũng biết Charlie Morgan đã có hành động câu giờ khiến Hazard nổi nóng. Nhưng như HLV Michael Laudrup nói: “Kể cả vậy thì cậu ta cũng không bao giờ nên làm điều đó. Khi xem lại, chắc chắn Hazard sẽ phải thất vọng với bản thân”.
Nhà khoa học vĩ đại người Anh, Charles Darwin từng nói: “Mức cao nhất có thể đạt được của văn hóa đạo đức là khi chúng ta kiểm soát được suy nghĩ, hành động của chính mình”. Với Hazard, đạo đức đang trở thành thứ xa xỉ, riêng tư và tốn kém. Chỉ một giây thiếu kiềm chế, Hazard đang biến từ “Eden” trong cái tên của mình trở thành thiên đường bị vấy bẩn.
2. Premier League, giải đấu bấy lâu nay vẫn được coi là thiên đường của giới cầu thủ. Premier League cũng được coi là sân chơi của những nhà quý tộc. Bởi đây là giải đấu của nước Anh, đất nước mà những tiêu chí văn hóa đôi khi quá cầu kỳ và đặc biệt là tinh thần hiệp sỹ vẫn rất được đề cao trong mọi lĩnh vực xã hội. Vậy tại sao thời gian gần đây, xuất hiện quá nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức, văn hóa của các cầu thủ chơi ở Premier League?
Trước Hazard, Premier League cũng là “cha đẻ” của rất nhiều những sản phẩm phi văn hóa, phi đạo đức khác.
Từ chuyện Terry ngủ với bạn gái của Wayne Bridge, một đồng đội và cũng là bạn thân. Rồi chuyện kiểu như Suarez (Liverpool) phân biệt chủng tộc rồi từ chối bắt tay Evra (M.U) cũng không còn hiếm… Hay cả như ông thầy đáng kính Wenger (Arsenal) cũng có những hành động không đẹp. Năm 2008, HLV này từng bị trọng tài Mike Dean đuổi lên khán đài trong trận đấu tại Old Trafford sau khi ông tức giận đá văng một chai nước.
Trở lại với chuyện Eden Hazard, anh sinh ra trong gia đình có cả bố (ông Thierry) và mẹ (bà Carine) đều theo nghiệp cầu thủ. Ngay từ bé, Eden đã được giáo dục về bài học đạo đức nghiêm khắc. Phần là vì tiền vệ 21 tuổi này là anh cả trong gia đình có 4 anh em và ông bố Thierry luôn bắt Eden hướng tới một hình mẫu hoàn hảo để làm gương cho 3 cậu em trai. Từ thời học ở học viện bóng đá Royal Stade Brainois (Bỉ) rồi sau đó chuyển sang các CLB Tubize (Bỉ) và Lille (Pháp), chưa bao giờ có lời phàn nàn nào về đạo đức của Hazard. Trong ngôi sao này không có chất nổi loạn.
3. Đến đây, có cảm giác Premier League đang gián tiếp tạo ra những cầu thủ suy đồi về đạo đức. Phải chăng sức ép của thành công, danh hiệu, tiền bạc, hay sự soi mói quá đáng của giới truyền thông… đang biến những cầu thủ “con nhà lành” như Hazard thành “đứa trẻ hư”? Thế nên cũng như Eden trong cái tên Eden Hazard, không quá khi nói “thiên đường Premier League” đang dần bị vấy bẩn.
Hazard đã xin lỗi
“Cậu bé đè người lên quả bóng và tôi chỉ cố gắng đá vào quả bóng. Tôi không nghĩ mình đá vào người cậu ta. Tôi xin lỗi về mọi chuyện”, Hazard nói. HLV Benitez cũng cho biết thêm: “Sau trận, Charlie Morgan đã vào phòng thay đồ của Chelsea và nói chuyện với Hazard. Hai người đã xin lỗi nhau”.
Nạn nhân là ai?
Cậu bé nhặt bóng bị Eden Hazard tấn công trong trận bán kết lượt về Cúp Liên đoàn Anh vừa qua có tên Charlie Morgan, năm nay 17 tuổi. Charlie là con trai của Martin Morgan, một thành viên trong ban giám đốc Swansea.
Charlie Morgan được Swansea nhận vào làm các công việc bên ngoài đường biên từ cách đây 6 năm. Trong quá khứ, cậu bé này từng có hành vi câu giờ khi nhặt bóng và đã bị nhắc nhở. Thế nhưng, Charlie Morgan vẫn được tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi trở thành nạn nhân của Hazard trong trận Swansea - Chelsea trên sân Liberty rạng sáng qua.
Nhờ vào tầm ảnh hưởng của ông bố Martin, Charlie Morgan được cho là nhân vật không thể đụng đến ở sân Liberty. Ông Martin Morgan là một tỷ phú và đã có rất nhiều đóng góp cho Swansea. Trong khi đó, cậu con trai lại được biết tới với khá nhiều trò quậy phá và đã đôi lần xuất hiện trong tình trạng say xỉn.
Minh Việt (Bongdaplus)