Kể từ năm 1515, Thụy Sĩ đã thực hành trung lập vũ trang, tự hào không can dự vào công việc của các quốc gia khác. Nhưng quốc gia vùng Alps có truyền thống trung lập đã phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các nước láng giềng châu Âu kể từ khi Nga mang quân vào Ukraine hồi tháng 2/2022 về hỗ trợ quân sự cho Kiev bằng cách cho phép tái xuất vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất.
Tuần trước, để bảo tồn tính trung lập của mình, Bern đã từ chối yêu cầu của công ty quốc phòng Thụy Sĩ RUAG bán 96 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 A5 để sử dụng ở Ukraine. Trước đây, họ cũng đã phủ quyết các yêu cầu từ Đan Mạch và Đức muốn gửi xe bọc thép và đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất để giúp đỡ Ukraine.
Nhưng kế hoạch tham gia vào “chiếc ô” phòng không châu Âu Sky Shield đã khiến các nhóm vận động hành lang ủng hộ trung lập của nước này không khỏi lăn tăn.
“Điều này không phù hợp với một Thụy Sĩ trung lập nghiêm ngặt”, ông Werner Gartenmann của nhóm vận động hành lang Pro Schweiz nói. Ông Gartenmann cho biết, bản thân lo ngại động thái này sẽ khiến Thụy Sĩ phụ thuộc quân sự vào nước ngoài và NATO, đồng thời sẽ khiến nước này trở thành mục tiêu.
Việc Bern tham gia dự án quốc phòng với các nước NATO đồng nghĩa với việc Thụy Sĩ đang dần từ bỏ vị thế là một quốc gia trung lập, chuyên gia quân sự người Nga Alexei Leonkov nhận định.
“Trong một thời gian dài, Thụy Sĩ là một quốc gia không tham gia bất kỳ liên minh, khối hay hệ thống phòng thủ thống nhất nào. Và vị thế trung lập này đã giúp Thụy Sĩ tránh được nhiều xung đột”, ông Leonkov cho biết.
“Nhưng nếu nước này trở thành một phần của một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không thống nhất, thì trong trường hợp xảy ra xung đột, các thiết bị hoặc tổ hợp được triển khai trên lãnh thổ Thụy Sĩ và tham gia vào một hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa hợp nhất, sẽ trở thành mục tiêu cho tấn công quân sự”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
“Chiếc ô” phòng không Sky Shield
Thụy Sĩ dự định tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không châu Âu European Sky Shield Initiative (ESSI), Bộ Quốc phòng Thuỵ Sĩ cho biết hôm 4/7. Động thái này bị các nhà phê bình cho là không phù hợp với truyền thống trung lập lâu đời của quốc gia Tây Âu.
Quốc gia vùng núi Alps này là quốc gia trung lập thứ 2 sau Áo thể hiện ý định tham gia ESSI do Thủ tướng Đức Olaf Scholz khởi xướng cuối năm 2022 nhằm tăng cường khả năng phòng không của “lục địa già”, một vấn đề đã trở nên “nổi cộm” hơn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ Viola Amherd tổ chức một cuộc họp với những người đồng cấp của mình từ Áo và Đức vào ngày 6-7/7 ở Bern, tại đó một biên bản ghi nhớ về việc tham gia ESSI sẽ được ký kết.
Sự quan tâm của 2 quốc gia trung lập truyền thống được coi là đã giúp nâng tầm quan trọng của dự án do Đức dẫn dắt. Nhưng Áo và Thụy Sĩ đều nói rõ rằng việc tham gia ESSI sẽ không kéo theo bất kỳ sự tham gia nào của họ vào các cuộc xung đột quân sự quốc tế.
“Thụy Sĩ mong muốn tham gia Sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu và một ý định thư sẽ được ký kết tại Bern”, Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ nói với Reuters hôm 4/7, xác nhận một báo cáo trước đó của Đài truyền hình SRF.
ESSI liên quan đến việc mua sắm chung các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không hiện đại và đắt tiền như hệ thống tên lửa Patriot.
Mục tiêu là giảm chi phí cho các quốc gia thành viên, cũng như hợp tác trong đào tạo, bảo trì và hậu cần. Nó cũng sẽ bổ sung cho các hệ thống phòng không hiện có của NATO – liên minh quân sự mà Áo và Thụy Sĩ không phải là thành viên.
Danh sách các thành phố sẽ được bao phủ bởi lớp bảo vệ chống tên lửa trong khuôn khổ ESSI được xếp vào loại “tuyệt mật”.
Theo NATO, cho đến nay, 15 quốc gia thành viên của liên minh quân sự này đã tham gia ESSI, bao gồm Đức, Anh và Phần Lan. Thụy Điển quốc gia đang trên đà trở thành thành viên NATO cũng đã tham gia ESSI.
Tuy nhiên, các quốc gia thành viên EU và NATO như Pháp, Italy và Ba Lan đã từ chối tham gia. Các chuyên gia quân sự lưu ý rằng trên thực tế, những nước tham gia ESSI sẽ trở nên phụ thuộc vào Đức hoặc Mỹ về sản xuất các hệ thống phòng không.
“Tự chủ chiến lược” cho châu Âu
Ban đầu, mỗi quốc gia tham gia ESSI được cho là sẽ tự quyết định mua hệ thống nào để tích hợp vào “chiếc ô” phòng không châu Âu, vốn được hiểu là sẽ giúp kích thích đầu tư vào các công ty địa phương để sản xuất các hệ thống phòng thủ.
Nhưng sau khi Đức tuyên bố rằng trong khuôn khổ ESSI, ưu tiên được dành cho tên lửa tầm trung IRIS-T của Đức, tên lửa tầm xa Patriot của Mỹ và tên lửa tầm cực xa Arrow-3 của Israel, Pháp đã quyết định rút lui.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi sự phụ thuộc vào vũ khí của Mỹ và Israel là “đòn giáng” trực tiếp vào việc ông theo đuổi khái niệm “tự chủ chiến lược” cho châu Âu, mà chìa khóa cho điều đó sẽ là xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và mua hàng trong EU.
“Những gì diễn ra ở Ukraine cho chúng ta thấy rằng chúng ta chỉ có thể cung cấp cho Kiev những gì chúng ta có sẵn và có thể tự sản xuất. Những gì đến từ các quốc gia ngoài châu Âu thì khó quản lý hơn. Nó phụ thuộc vào thời gian giao hàng, ưu tiên và đôi khi là cả sự cho phép từ các nước thứ ba”, nhà lãnh đạo Pháp lập luận.
Hồi tháng 6, tại một hội nghị quốc phòng với sự tham dự của đại diện từ khoảng 20 quốc gia bên lề Triển lãm Hàng không Paris, ông Macron cho biết Pháp, Bỉ, Síp, Estonia và Hungary đã ký một ý định thư về việc mua chung các hệ thống phòng không Mistral do MBDA chế tạo.
MBDA là tập đoàn phát triển và sản xuất tên lửa đa quốc gia của châu Âu, được thành lập vào tháng 12/2001 trên cơ sở sáp nhập các nhà sản xuất tên lửa chính của Pháp, Anh và Italy.
Pháp là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ông Macron đã bác bỏ những ám chỉ rằng ông đang thúc đẩy thiết lập một nền quốc phòng châu Âu do Pháp thống trị.
Trong trường hợp của Ba Lan, Warsaw không có ý định tham gia ESSI do Đức dẫn dắt, vì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phòng thủ của đất nước họ, đại diện Bộ Quốc phòng Ba Lan, Đại tá Michal Marciniak, tuyên bố.
Ông Marciniak giải thích rằng ESSI được tổ chức mà không có sự đồng thuận của NATO, và hệ thống phòng không của Ba Lan hiệu quả và mạnh mẽ hơn nhiều so với hệ thống phòng không của các quốc gia tham gia Sky Shield.
Hồi cuối tháng 6, một quan chức chính phủ Đức đã lên tiếng bảo vệ sáng kiến Sky Shield và giải thích về đơn đặt hàng vũ khí của Israel được cho là trị giá gần 4 tỷ Euro (4,4 tỷ USD).
“Chúng ta cần được bảo vệ càng sớm càng tốt, không phải trong 15 năm nữa”, vị quan chức Đức nói khi được hỏi về việc Berlin mua tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Israel.
Sky Shield phù hợp với NATO, trong đó Mỹ giữ vị trí đặc quyền. Vị quan chức này cho biết: “NATO coi ESSI phù hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của mình (NATO IAMD)”.
Khoảng cách từ ý tưởng đến hiện thực
Theo chuyên gia Nga Leonkov, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vốn có một hệ thống phòng không nhiều lớp của NATO ở châu Âu, nhưng theo thời gian, do chi tiêu quân sự bị cắt giảm, nó đã không còn được cập nhật. Nhưng sự đổi mới đã bắt đầu từ năm 2014 với lý do bảo vệ lục địa châu Âu khỏi sự gây hấn của Nga, ông Leonkov lưu ý.
“Hệ thống mới nhất (ESSI) chắc chắn sẽ phụ thuộc vào Mỹ thông qua các khẩu đội Patriot – vốn được coi là tốt nhất trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa và phòng không. Điều này có nghĩa là các quốc gia tham gia sáng kiến đã đặt chủ quyền của mình dưới sự kiểm soát của các quốc gia khác”, vị chuyên gia Nga cho biết.
Một chuyên gia quân sự người Nga khác, Yuri Knutov, cho biết châu Âu đã kêu gọi thành lập một hệ thống phòng không thống nhất trong một thời gian dài, ngay cả trước khi bắt đầu các sự kiện ở Ukraine.
“Ý tưởng tạo ra một hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa của châu Âu đã được nuôi dưỡng từ lâu. Lần đầu tiên họ bắt đầu nói về điều này có lẽ là sau khi vũ khí siêu thanh và tên lửa siêu thanh Kinzhal (Dao găm) xuất hiện ở Nga”, ông Knutov nói.
Mặc dù ý tưởng này phù hợp với “khẩu vị” của một số gã khổng lồ quốc phòng Tây Âu – những người đã nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ việc này, nhưng ông Knutov lưu ý rằng chỉ một số ít các quốc gia có thể tham gia vào việc tạo ra một hệ thống phòng không thống nhất do sự phức tạp và chi phí đắt đỏ của một dự án như vậy.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những nhiệm vụ chính của ESSI là tìm kiếm các giải pháp hiệu quả về chi phí, nhưng cuối cùng mọi thứ đều dẫn đến việc mua sắm tên lửa do Đức và Mỹ sản xuất, ông Knutov nói, đồng thời chỉ ra rằng điều này đã gây ra bất đồng với Pháp.
“Có sự cạnh tranh gay gắt giữa Pháp và Đức trong việc sản xuất các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa. Sở trường của Pháp trong lĩnh vực này là tên lửa phòng không tầm trung và tầm ngắn, trong khi Đức đã có hệ thống tầm trung IRIS-T của chính mình. Nhưng do Đức ngày nay đứng thứ hai về tài trợ vũ khí cho Ukraine, nên ảnh hưởng của Berlin trong Liên minh châu Âu (EU) nói chung rộng hơn nhiều so với ảnh hưởng của Paris”, ông Knutov giải thích.
Các nước châu Âu đang chi một số tiền lớn để cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tạo ra một “chiếc ô” phòng không cho lục địa châu Âu, ông nói thêm.
“Bây giờ châu Âu đã chi ngân sách và nguồn lực khổng lồ để cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, vì vậy việc phát triển một hệ thống phòng không châu Âu thống nhất sẽ không thể nhanh chóng”, vị chuyên gia Nga kết luận.
Minh Đức