Sau đó, vua quan triều Nguyễn mới nâng nó lên dần thành trò giải trí tiêu khiển thú vị. Tuy nhiên, lịch sử ghi chép lại những trận “hổ quyền” đầu tiên không hề đơn giản là một trò giải trí. Phảng phất đâu đó trong những cú tát như trời giáng, những tiếng voi rống động trời là sự thị uy sức mạnh của dòng tộc đứng đầu đất nước.
Phô trương lực lượng, biểu tượng vương quyền
Để biểu dương lực lượng, củng cố quyền lực của bậc đế vương, chúa Nguyễn chọn tượng binh (voi chiến). Bởi theo quan điểm của các chúa Nguyễn, voi là loài vật của sự dũng mãnh, của khí tiết can trường, là biểu trưng cho sức mạnh đế chế, cho lẽ phải trên đời. Bằng chứng là trong lịch sử, anh hùng áo vải Quang Trung cưỡi voi ra Bắc đại phá quân Thanh hay vua Nguyễn cưỡi voi lên tế Đàn Nam Giao. Voi là biểu tượng của “vương quyền”. Còn loài dã thú tượng trưng cho cái ác, cái xấu và các lực lượng chống đối, triều đình là hổ. Hai loài mãnh thú có sức mạnh ngang nhau, cùng là “ông vua, bà chúa” của đại ngàn rừng xanh.
Theo sử cũ ghi chép lại, ngay từ thuở các chúa Nguyễn vào Nam khai hoang, cất đất lập làng đã tổ chức những trận quyết đấu đầu tiên cho hai loài vật được xem là “chúa núi rừng” voi và hổ. Trận đấu được tổ chức sớm nhất có trong tư liệu lịch sử là vào năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng bắt đầu đặt trấn dinh tại Ái Tử (nay là tỉnh Quảng Trị). Trong thời gian đó, chúa Nguyễn Hoàng đã cho mở “đấu trường” voi – hổ nhằm thể hiện sức mạnh đương triều, thị uy và biểu dương lực lượng, đặc biệt là đối với các thế lực có âm mưu “tạo phản”.
Voi chiến tập trung trước kinh thành chuẩn bị cho trận tử chiến với bầy hổ.
Hơn 20 tượng binh “thiện chiến” nhất được quản tượng điều khiển đưa “ra trận”; đối thủ lúc bấy giờ là 7 con hổ dữ. Xung quanh đấu trường, chúa Nguyễn Hoàng trang bị lực lượng binh lính hùng hậu với giáo gươm sáng quắc. Khi mặt trời lên bằng con sào, chúa Nguyễn đứng trên đài cao ra lệnh cho quản tượng “chỉ huy” bắt đầu trận đánh. Tiếng trống dồn dập, tiếng cổ vũ hò reo của vua quan và dân chúng càng làm cho những con thú dữ bị bỏ đói mấy ngày trước đó hăng tiết. Những con hổ lồng lộn xông thẳng vào bầy voi. Voi “quất” vòi chống trả, giày xéo cả bầy hổ. Quản tượng dùng gậy điều khiển voi tấn công theo từng đội hình chiến đấu đã được vạch sẵn.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu chuyên về Hổ quyền thì trước khi xem trận chiến giữa voi – hổ, người ta thường đoán trước được kẻ thắng, bại. Bởi đây thực chất là trận tàn sát của bầy voi đối với đàn hổ. Trước khi ra trận, các tượng binh được tuyển chọn từ những “chiến binh” xuất sắc nhất, được “huấn luyện” bởi chế độ đặc biệt nhất; còn hổ thì bị bỏ đói vài ngày. Khi vào trận, hổ thường bị cắt móng, bẻ nanh và bị trói chặt ở cổ. Sở dĩ, có chuyện như vậy là bởi vì trong sâu xa, khi tổ chức một cuộc tử chiến giữa voi và hổ thì triều đình có ngầm ý răn dạy về sức mạnh vương quyền, bài học về cái thiện luôn thắng cái ác.
Những trận huyết chiến tàn khốc nhất trong lịch sử
Sau trận tử chiến voi – hổ ở trấn Ái Tử, các chúa Nguyễn đời sau tiếp tục duy trì, phát triển Hổ quyền như là một hoạt động giải trí “thường niên”. Học giả người Pháp Pierre Poivre cho biết, ông đã tìm thấy tư liệu về những trận đấu giữa voi và hổ do chúa Nguyễn tổ chức ở cồn Dã Viên trên sông Hương. Trong đó, ông không thể nào quên trận huyết chiến năm 1750. Năm đó, chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng triều thần đến cồn Dã Viên cả thảy bằng 12 chiếc thuyền để xem một cuộc tử chiến voi - hổ.
Trong nhật ký của mình, Pierre Poivre viết: “Đàn voi hơn 40 con theo lệnh của quản tượng di chuyển thành vòng tròn, chĩa ngà về phía bầy hổ bị quây bên trong. Khi những con hổ phát động tấn công thì bầy voi cũng đồng loạt hú lên dùng ngà xông tới quật chết hổ”. Từng con một trong bầy hổ 18 con bị bầy voi tàn sát không thương tiếc. Đây có lẽ là trận tử chiến “vô tiền khoáng hậu” nhất trong lịch sử”. Về sau, khi nhắc đến trận đấu được tổ chức ở đấu trường tọa lạc trên cồn Dã Viên năm 1750, giới nghiên cứu đều có chung nhận định rằng đây là trận đấu tàn khốc và đẫm máu nhất trong suốt lịch sử gần 500 năm Hổ quyền.
Đến đời Gia Long (1802-1819), để tránh mất thời gian cho việc đi lại, các trận quyết chiến được tổ chức ngay trên khoảng đất trống tại kinh thành. Quân lính được trang bị giáo mác xếp vây thành vòng tròn làm hàng rào bảo vệ vua quan và dân chúng. Michel Đức Chaigneau trong cuốn Hồi ký về Huế (Souvenir de Hue) kể lại một trận đấu khi ông làm cố vấn cho vua Gia Long: “Voi được đi lại tự do, còn hổ bị buộc bằng sợi xích cột vào cái cọc đóng chắc chắn ở giữa đấu trường và bị cắt bỏ nanh vuốt nhưng nó đã giật đứt dây xích, nhảy lên tát người lính ở đầu voi rơi xuống đất rồi còn bị voi giẫm chết, làm nhiều quân lính bị thương và gây khiếp đảm cho cả vua quan và dân chúng đi xem. Dân chúng thấy vậy kinh hồn bạt vía giẫm đạp lên nhau bỏ chạy. Vua Gia Long được binh lính tức tốc hộ tống hồi cung. Trận ấy, hổ đã giết chết hơn 10 người binh lính và khán giả đến xem”.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An lý giải ý nghĩa của Hổ quyền.
Những phen vua quan bạt vía, kinh hồn
Đến năm 1829, dưới thời vua Minh Mạng, trong trận tử chiến voi- hổ nhân dịp lễ Tứ Tuần Đại Khánh (mừng thọ vua 40 tuổi) cũng đã xảy ra sự cố khiến vua quan kinh hoàng. Mừng thọ vua nên trận đấu được tổ chức rất hoành tráng, có kèn trống, cờ hiệu, có binh lính mặc giáp và gươm giáo sáng lóa. Dân chúng kéo về xem chật kín cả khu vực cổng thành (bên bờ sông Hương). Lúc này, vua Minh Mạng ngự xem trận thư hùng trên thuyền rồng đậu sát bờ sông cùng bá quan văn võ. Tiếng trống vào trận cùng tiếng la ó, hò reo của khán giả thúc giục, con mãnh hổ hăng tiết xông thẳng vào bầy voi 12 con. Ngay lập tức, người quản tượng chỉ đạo đàn voi dàn trận, quần chiến khiến hổ dữ hoảng loạn, tránh né, tìm đường thoát thân.
Không còn cách nào khác, hổ lấy hết sức bình sinh giật tung sợi dây “bảo hiểm” (dây trói hổ vào cọc) lao mình xuống dòng sông Hương tẩu thoát. Nó bơi như tên bắn về ngay phía thuyền rồng của vua Minh Mạng. Sự việc xảy ra quá nhanh, dân chúng hỗn loạn nhốn nháo chạy trốn. Quan quân ai nấy mặt cắt không còn giọt máu lo cho an nguy của vua. May mắn, con thú dữ phần đang tìm đường thoát, phần đã bị thương sau khi lâm trận nên vua Minh Mạng đã vớ được cây sào và chống trả. Nhờ vậy, binh lính, quan quân mới kịp thời chèo thuyền ra sông Hương giết chết con hổ, giải cứu nhà vua.
Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến như trên thông thường mỗi năm được tổ chức một lần. Các vua Nguyễn thường là người tổ chức, cũng là người điều khiển, đồng thời cũng là khán giả rất nhiệt tình cổ vũ cho trận đấu cho đến khi voi “hạ đo ván” hổ mới thôi. Tuy nhiên, với việc tổ chức không tập trung, không được chú trọng về an toàn cho khán giả nên những trận thư hùng vang bóng một thời đã để lại nhiều nỗi ám ảnh cho hậu thế.
Trận tử chiến long trời, lở đất Nhà nghiên cứu Phan Thuận An (hội viên hội Khoa học lịch sử Việt Nam, người dành trọn cuộc đời nghiên cứu về Huế) cho biết: “Trận quyết chiến voi - hổ đẫm máu nhất trong lịch sử được ghi nhận là vào năm 1750 dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát. Gần sáu chục con mãnh thú, được xem là hai loài vật mạnh và dữ nhất ở chốn sơn lâm lao vào trận tử chiến kinh hoàng. Toàn bộ 18 con mãnh hổ bị đội hình tượng binh nhà Nguyễn giày xéo đến chết”. Từ năm 1558 đến năm 1830, chưa thấy ghi chép chính xác đã diễn ra bao nhiêu cuộc đấu giữa hai loài voi – hổ. Đây được xem là thời kỳ tiền Hổ quyền, bởi lẽ giai đoạn này chưa có thời gian, địa điểm cũng như quy định cụ thể về cách thức tổ chức trận đấu. |
Bạch Hưng