Sáng 8/11, các ĐBQH đã tiến hành thảo luận tại tổ về dự án luật Tố cáo (sửa đổi). Nhiều ý kiến không đồng tình với việc dự thảo Luật quy định hình thức tố cáo chỉ có 2 hình thức là bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Theo giải trình của Chính phủ, việc quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ theo quy định. Việc mở rộng các hình thức tố cáo cũng cần các điều kiện bảo đảm về mặt pháp lý, nguồn nhân lực, các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để xác minh, kết luận đối với các trường hợp tố cáo. Trong bối cảnh hiện nay quy định việc tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử là khó khả thi. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Mặc dù không giải quyết đối với tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại... theo quy trình giải quyết tố cáo, Chính phủ cho rằng những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua thư điện tử, fax, điện thoại cần phải được các cơ quan Nhà nước tiếp nhận, xử lý phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra. Do vậy, dự thảo Luật đã quy định chi tiết tại Điều 22.
Về nội dung trên, ĐB Phan Thị Bình Thuận (ĐBQH đoàn TP.HCM) nêu quan điểm: “Tôi đề nghị xem lại hình thức tố cáo. Cơ quan chủ trì bảo lưu ý kiến tố cáo bằng đơn và trực tiếp, quy định này phải xem lại. Hình thức tố cáo trực tiếp rất khó hình dung, vậy tố cáo gián tiếp có tiếp nhận không. Tôi đề nghị sửa hình thức tố cáo là bằng văn bản và lời nói, không quy định thời hiệu tố cáo, không có điểm dừng tố cáo.
Đồng quan điểm cần phải xem xét lại về hình thức tố cáo, ĐB Dương Ngọc Hải (ĐBQH đoàn TP.HCM) cho rằng: “Ngoài hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, dự Luật nên bổ sung thêm “hình thức tố cáo khác” theo quy định pháp luật. Đó là qua fax, qua mail, qua điện thoại. Như ĐB Bình Thuận có nói nên sửa là tố cáo bằng văn bản và lời nói. Trong hình thức văn bản, đó có thể là đơn, mail… lời nói có thể là trực tiếp hoặc qua điện thoại.
Trong xu hướng giao dịch điện tử, tôi nghĩ nếu chỉ quy định hai hình thức như dự thảo thì luật sẽ sớm lạc hậu. Trong khi đó, các luật khác có quy định hình thức khác như luật Tố tụng Hình sự, luật Phòng, chống tham nhũng, quy định về tố giác tin báo tội phạm ngoài hình thức trực tiếp và văn bản còn có hình thức khác như điện thoại, fax, mail đều tiếp nhận giải quyết”.
Đỗ Thơm