Ngày 31/3, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) thông tin về ca bệnh nguy kịch vì chủ quan với đau răng.
Trước đó, nam bệnh nhân 74 tuổi ở Hà Nội được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Các bác sĩ cho người bệnh đặt ống nội khí quản, sử dụng kháng sinh mạnh, vận mạch liều cao, bù dịch, kháng sinh, lọc máu liên tục. Sau hội chẩn, các bác sĩ phẫu thuật chích rạch ổ áp xe, dẫn lưu ổ mủ vùng hàm mặt phải và nhổ răng sâu cho người bệnh.

Ê- kíp bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. (Ảnh: BVCC)
Theo TS.BS Phạm Đăng Hải, chủ nhiệm khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, áp xe vùng hàm mặt có thể tiến triển nhanh chóng thành sốc nhiễm khuẩn, cần can thiệp sớm cả nội khoa và ngoại khoa.
Đây là ca bệnh nặng, do bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh lý nền, tăng huyết áp, tiểu đường type 2, cộng thêm việc không được theo dõi, điều trị kịp thời do chủ quan, chỉ vào viện khi tình trạng đã rất nặng, hôn mê, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Nếu không được phẫu thuật giải quyết ổ nhiễm khuẩn, kết hợp các biện pháp hồi sức sớm theo phác đồ thì người bệnh có thể tử vong.
Việc phối hợp đa chuyên khoa tại chỗ bước đầu góp phần cứu sống bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch. Sau 3 ngày điều trị, người đàn ông thoát sốc, cắt được vận mạch, đang được tiếp tục điều trị.
Ca bệnh này nhấn mạnh tính chất nguy hiểm của nhiễm trùng răng miệng, người dân không nên chủ quan khi có các dấu hiệu đau răng, sưng nóng vùng hàm mặt. Khi có những biểu hiện trên, cần đến ngay cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được thăm khám, chẩn đoán và chuyển tuyến chuyên khoa nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, việc phối hợp đa chuyên khoa trong chẩn đoán và điều trị là yếu tố quyết định thành công đối với những ca bệnh nặng, phức tạp.
Trúc Chi (t/h VTC News, Người Lao Động)