Cuối năm rồi, ngành giáo dục rất bận rộn với nhiều việc, cả không tên và có tên. Tôi chơi với một nhóm giáo viên, đa phần là giáo viên giỏi, yêu nghề, trò chuyện với họ, và họ thử tổng kết về nghề của mình như thế này: “Công nhận, nghề giáo của chúng ta là nghề siêu đẳng nhất xứ “An Nam”. Trong mỗi cô giáo luôn có nhà tâm lý học, nhà xã hội học... ngoài ra còn làm bác sĩ, "thẩm phán xử án". Cái gì mới nhất, công nghệ mới nhất, các cô cập nhật đầu tiên. Lại còn phải kiêm cả công an và nhà tội phạm học nữa. Chưa hết, phải kiêm cả kế toán, kiêm cả nhà tuyên truyền, tuyên giáo, biên đạo múa, hát... Còn là kế toán, nông dân,… Kiêm luôn cả tư vấn tâm lí khi bố mẹ học sinh cãi nhau nó lên tâm sự với cô. Và nữa, còn thêm, nghề... đòi nợ”...
Tất nhiên là nói vui trong nhóm, nhưng nó cũng... không xa hiện thực lắm.
Cuối năm, một việc không thể không làm, không thể bỏ dù rất nhiều người muốn bỏ, ấy là, giáo viên thì họp bình bầu các loại danh hiệu. Học sinh thì tổng kết điểm và đương nhiên, xếp loại hạnh kiểm.
Và đây, ở Đắk Nông, có vụ con “bị” xếp hạng hạnh kiểm trung bình, phụ huynh, cụ thể là bố cháu, đã xông vào nhà cô giáo chủ nhiệm, và thay vì chia sẻ thông tin, lý do, chia sẻ áp lực, hỏi cụ thể về con mình... thì anh này đã... "tẩn" cô giáo chủ nhiệm của con mình.
Kết quả, cô giáo đi viện, và anh này thì đang bị điều tra.
Điều đau đớn nhất, xấu hổ nhất, là anh này cũng là giáo viên. Cả hai vợ chồng đều là giáo viên, vợ là hiệu trưởng trường mầm non, chồng là giáo viên trung học cơ sở.
Ông học trò con của ông phụ huynh hổ báo này trước đó đã lăng mạ giáo viên, bị ghi sổ đầu bài, và trường đã mời phụ huynh lên, đã họp tới hai lần thống nhất xếp loại hạnh kiểm chứ không phải cô giáo chủ nhiệm muốn là được.
Thực ra giáo viên bây giờ cũng chịu rất nhiều áp lực, mà chắc chắn anh phụ huynh hổ báo nhưng cũng là giáo viên kia thừa biết. Áp lực nhất là... thành tích của lớp, của trường. Vậy nên việc buộc phải xếp loại học sinh trung bình là việc chẳng đặng đừng chứ cả giáo viên và nhà trường đều muốn “dĩ hòa vi quý” để nhà lớp và trường yên ổn, để... giữ vững thành tích.
Nên rất nhiều chuyện to được biến thành nhỏ, nhỏ thành... không có, cũng vì thành tích.
Và khá nhiều phụ huynh cũng rất... háo thành tích.
Không cần biết con học hành thế nào, chỉ quan tâm tới điểm và hạnh kiểm. Gần như phó mặc việc học cho nhà trường.
Một cô giáo kể: Học sinh nói chuyện nhiều giáo viên gọi lên bảng đứng năm phút, phụ huynh lên nhà giáo viên quậy. Nhiều phụ huynh lớp bé dỗ con bằng... điện thoại. Lên lớp là chúng ngủ, đi học thì toàn đi trễ nhưng cuối năm mẹ vẫn muốn con được... thưởng. Không được thì hậm hực, lên mạng... kể chuyện.
Mà các giáo viên đứng lớp góp ý là nhiều khi sinh chuyện, trong khi họ nắm rõ học trò nhất. Có cô nói “Chỉ cần học trò học chăm ngoan, có ý thức là OK hết. Đằng này, đi học thì cúp, không đi cũng không xin phép; mà có đi thì ngủ, chơi game, đánh nhau, gặp thầy cô thì mắt cứ trợn lên, học hành chểnh mảng rồi đòi giỏi, xuất sắc”...
Áp lực nữa, cũng rất lớn bây giờ của giáo viên là... mạng xã hội. Cả trò và phụ huynh luôn lăm lăm... điện thoại, hở cái là lên mạng, lên nhóm. Các cụ xưa nói, có ai nắm tay được cả ngày. Thế mà giờ, giáo viên lúc nào cũng phải đi nhẹ nói khẽ, không được đụng tới cục vàng cục kim cương của họ.
Tất nhiên ở chiều ngược lại, không phải không có giáo viên cũng... hổ báo. Nhưng không phải vì những cá nhân ấy mà đánh đồng tất cả.
Tôi biết rất nhiều nhà giáo yêu nghề, yêu học trò, hiểu học trò. Có một thầy già nói với tôi, hiểu học trò tức là phải biết... nhịn. Loài thứ ba mà. Có đứa hai mươi năm sau gặp thầy mới khai hồi học đã phá thầy tới thế nào? Nó tưởng mình không biết, nhưng khi mình nói mình biết mà lơ thì nó... khóc.
Tôi thì nghĩ, giá mà biết khóc ngay từ khi đi học, không phải để tới tận 20 năm sau?
Trở lại vụ cô giáo ở Đắk Nông. Lâu nay thi thoảng cũng có phụ huynh “tẩn” giáo viên, có vụ xông hẳn vào trường “tẩn”. Nhưng phụ huynh đồng thời là giáo viên "tẩn" cô giáo của con mình thì hình như là rất hi hữu.
Tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo khẩn: “Làm rõ” và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/5.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.