Lịch sử lẫn sách vở từng ca ngợi nhiều tấm gương như thế, có cả những người con cắt thịt mình cho mẹ ăn, có người cởi trần nằm cho muỗi cắn mình mà không cắn mẹ...
Nhưng trong thực tế, vẫn có những chuyện đau lòng, con cái đùn đẩy nhau chăm sóc cha mẹ. Có những chuyện tới rớt nước mắt, tới căm phẫn. Đa phần là do các con không chịu chăm sóc cha mẹ, lạnh lùng phân công nhau, chuyền cha mẹ như chuyền bóng, mong tới tháng để chuyển cha mẹ sang nhà anh chị em khác.
Nhưng mới đây, tòa án huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi vừa xử một vụ... ngược lại, cũng bi hài không kém.
Là các con giành nhau để nuôi mẹ.
Bà mẹ già, bị lẫn, có tới bảy người con. Một ngày... xấu trời, các con đưa nhau ra tòa tranh nhau quyền nuôi mẹ. Một tờ báo tường thuật “Theo trình bày của các đương sự tại phiên tòa, nguyên đơn có bốn người, bị đơn có ba người. Tất cả là con ruột của cụ bà đã 86 tuổi. Từ lúc đến tòa, "hai phe" đã không nhìn mặt nhau. Bị đơn đứng trước sân tòa, còn nguyên đơn đi thẳng vào phòng xử. Không khí căng thẳng khởi đầu bằng ánh mắt không mấy thiện cảm họ trao nhau.
Bắt đầu phiên xử, đại diện nguyên đơn hỏi bị đơn những câu như : chuyện người con của bị đơn "dính" án hình sự? Bị đơn nói "không trả lời". Nhiều câu hỏi khó tiếp tục được nguyên đơn đặt ra khiến bị đơn phải to tiếng: "Tôi đề nghị không hỏi chuyện cá nhân, vụ kiện này giành quyền nuôi mẹ, những câu hỏi phải liên quan vụ việc".
Vân vân.
Cuối cùng sau ba buổi xử, tòa án quyết: Mỗi người con (thực ra là hai phe) luân phiên nhau nuôi mẹ trong sáu tháng.
Tất nhiên có thể phía sau đấy có thể còn nhiều chuyện. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng ở đây tôi nghĩ tới một việc khác.
Ấy là, viện dưỡng lão, tại sao không?
Nước ta có tư tưởng là con cái phải chăm sóc cha mẹ, không chăm sóc là bất hiếu. Tất nhiên chuyện ấy là rất đúng, rất phải đạo. Nhưng có một thực tế nữa là, sự chăm sóc của gia đình, con cái, cháu chắt... không phải lúc nào cũng tốt, cũng đúng, cũng hoàn hảo. Nhiều gia đình khó khăn, đầu tắt mặt tối, “nuôi” thêm một ông/ bà lù lù trong nhà cũng nhiều cấn cái. Lại nhớ bài văn của một cháu hồn nhiên: “Nhà em có nuôi một ông nội, cả ngày ông chả làm gì, chỉ đắp chăn nằm, thi thoảng lại thò đầu ra vừa rên vừa hỏi: có cơm chưa bây?”...
Mà người già, nếu ốm đau bệnh tật thì cần có người có chuyên môn chăm sóc, nếu còn khỏe cũng cần có người bầu bạn. Ở nhà, con cái đi làm, cháu chắt đi học, tha thẩn một mình, buồn rồi sinh tiêu cực là rất khả dĩ.
Nếu có các nhà dưỡng lão để các cụ vào đấy, ngày nghỉ con cháu vào thăm thì sẽ rất hợp lý. Nước ta đã có một số nhà như thế, nhưng chưa nhiều, và vì là ít nên khá đắt nữa.
Mấy ông bạn về hưu và sắp về hưu của tôi, những lúc cà phê với nhau đều nói, nếu có các nhà dưỡng lão “đường được” sẽ vào đấy ở, vừa khỏi phiền con cháu mà lại được chăm sóc tốt hơn.
Tôi đã vào thăm người nhà ở một nhà dưỡng lão bên Gia Lâm, Hà Nội. Có bác sĩ, điều dưỡng kiểm tra sức khỏe hàng ngày, có bầu bạn đánh cờ, chơi thể thao các loại, hộ lý dọn phòng, giặt đồ chăm sóc cơm nước vân vân, thấy rất ổn. Người nhà tôi bảo thích ở đây hơn ở nhà. Và vì ở đây nên tình cảm gia đình cha con ông cháu bền hơn, chứ ở nhà đụng mặt nhau hàng ngày, chả đụng cái nia thì cũng chạm cái mâm, ôm cục tức mà chết.
Có điều là giá hơi cao. Bỏ hết lương hưu vào thì các con mỗi tháng phải đóng thêm mấy triệu nữa. Đấy là gia đình trung bình khá, chứ trung bình trở xuống thì hơi khó.
Tôi có mấy người bạn có ít vốn muốn đầu tư. Tôi đều khuyên là mở trại dưỡng lão, ai cũng hào hứng, cũng thấy rất nhân văn, rất thú vị. Nhưng mãi chả thấy họ làm, hoặc họ đi làm việc khác. Hỏi sao thì họ nói, nhìn thế chứ không dễ, đụng vào mới thấy cũng khó nhằn lắm.
Thực ra, nếu thấy đây là điều tốt, nên làm, tôi nghĩ Nhà nước cần xắn tay vào, hoặc có chủ trương, khuyến khích, coi đây là một vấn đề xã hội lớn khi tỉ lệ người già ở nước ta ngày càng tăng. Theo một tài liệu mà tôi có thì “Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Sự thay đổi nhân khẩu học này xảy ra ở Việt Nam không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ, mà phần lớn là do giảm mạnh tỷ lệ sinh. Tỷ lệ sinh giảm trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số của Việt Nam, làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số”.
Các nhà văn đàn anh, bạn bè tôi, bảy mươi tới tám mươi tuổi vẫn lái xe vù vù, hoặc nằm xe khách vi vu khắp nơi (lại nhớ ông nhà thơ Nguyễn Duy và bà giáo sư Đào Tuấn Ảnh đều suýt soát tám mươi vừa xe đò đêm Đà Lạt- Pleiku chơi với tôi mà nể). Nó chứng tỏ một điều là người già Việt Nam ngày càng... trẻ và khỏe, và hai, số này đông thật.
Hết những ngày vi vu, những hoạt động “tự mình” được, họ rất cần những nơi để... dưỡng lão mà không phiền tới con cái. Và như thế, mô hình nhà “dưỡng lão” là rất bổ ích và phù hợp.
Để tránh cảnh, con cái võng mẹ đi giao khi hết thời gian chăm sóc. Và những ông bố bà mẹ ở nhà con mà cứ nơm nớp chuyện xoay vòng, họ cũng đau lòng lắm.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.