Một tờ báo mới đưa tin “Cây gạo Pleiku đi vào tiềm thức người dân đã chết” khiến tôi cũng thấy bồi hồi, bởi nó đã hiện hữu trong mắt tôi gần nửa thế kỷ rồi, còn với những người ở đây mấy đời thì nó cũng từng hiện diện như một ký ức từ rất lâu.
Hồi nhỏ ở ngoài Bắc tôi hay nghe Radio mà chương trình số một là “ca nhạc theo yêu cầu thính giả” của Đài tiếng nói Việt Nam. Phải nói thêm rằng, thời ấy có cái radio để nghe cũng là thuộc loại “nhà có điều kiện” như cách nói bây giờ. Một trong những bài tôi hay nghe và viết thư yêu cầu được nghe là “Em là hoa Pơ Lang”. Nghe vừa hào hùng vừa diệu vợi, cứ thấy nó thăm thẳm mời chào mà lại hun hút cách xa. Giọng chị Tường Vi thì thôi rồi. Vẽ ra trong trí óc nơn nớt của tôi một Tây Nguyên vừa hùng vĩ vừa gần gũi, một thứ hoa vừa lung linh vừa thân quen dù chưa ai hình dung nó là thế nào.
Cho đến khi tôi vào Gia Lai nhận công tác, thì gặp ngay 2 điều tưởng như không bao giờ được gặp. Một là gặp nhạc sĩ Đức Minh, tác giả bài hát “Em là hoa Pơ Lang” khi ông đi cùng đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội vào Gia Lai thực tế, và 2 là tận thấy hoa Pơ lang.
Thì ra nó là hoa gạo dưới đồng bằng. Nơi gọi hoa gạo, nơi gọi hoa Mộc miên. Gạo thì dân dã, mộc mạc, ăm ắp tuổi thơ quê kiểng, mộc miên thì sang trọng, xa cách như mối tình đầu thoắt đấy lại đã đâu đấy nhưng hết sức ấn tượng.
Vâng, cái cây mà tờ báo kia gọi cây gạo đã chết ấy, nó chính là cây Pơ lang. Nó có ở nhiều nơi trên đất nước ta, lúc gạo, lúc mộc miên, và tới Tây Nguyên thì nó là Pơ lang.
Cái cây Pơ lang mới chết ấy, nó ở ngay đầu thành phố Pleiku hướng từ Kon Tum xuống, mà những người làm đường Hồ Chí Minh chả biết vô tình hay cố ý đã cho con đường quanh một chút để cái cây không bị đốn, để mỗi khi đi qua đúng mùa hoa nở ai cũng ngước lên và thầm cám ơn cái hữu ý rất mỹ cảm và nhân văn này.
Chỗ ấy, con đường 14 lượn một cú rất đẹp nên có người tán: Lẽ ra con đường chạy thẳng kia, và như thế thì hoặc là cây Pơ lang sẽ bị ủi đi, hoặc là con đường sẽ cách xa cây ấy khiến cho chả ai thấy được nó khi ngồi trên xe. Người thiết kế vì yêu cây đã vạch một cú lượn, và thế là ai đã đi qua con đường 14 nối Kon Tum với Pleiku đều có thể ngắm cây hoa sẽ nở rực vào tháng 3 này.
Giờ nó chết. Thực ra cả năm nay nó đã có hiện tượng chết, người ta đã cố cứu nó. Tôi thấy nó cứ bị cắt cụt dần, hình như là một cách chữa bệnh cho cây, cho tới hôm kia, chỉ còn cái thân và gốc, nó đổ kềnh, và người ta phát hiện trong ruột nó rỗng.
Không phải nhiều người biết nó là cây gạo hay là cây mộc miên từng đỏ rực biên giới phía Bắc. Cũng hôm kia tôi làm hướng dẫn viên cho một đoàn phóng viên báo Nghệ An đi thăm cái hàng thông được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam, là “con đường Hàn Quốc” ở Biển Hồ trà Nghĩa Hưng, (Gia Lai), trên xe tôi kể nó chính là cây xà nu trong “Rừng Xà nu” có nhân vật T’nú và Mết của nhà văn Nguyên Ngọc thì cả xe mới ồ lên. Té ra lần đầu tiên họ biết điều ấy. Tôi nhớ mình đã nhiều lần viết về điều này, có lần cả mấy cô giáo dạy văn cấp 3 còn cám ơn rối rít vì sân trường họ có tới mấy gốc xà nu khổng lồ, và lâu nay họ dạy “Rừng xà nu” ngay dưới tán nó mà không biết đấy là... xà nu.
Cũng như thế, cái cây K’nia nổi tiếng trong bài hát “Bóng cây K’nia” của Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Ngọc Anh thì nó chính là cây cầy (hoặc cậy) ở đồng bằng cũng khá nhiều. Nhạc sĩ và nhà thơ đã dựng nên một hình tượng K’nia bất tử cho Tây Nguyên.
Pơ lang Tây Nguyên có ít nhất là 2 loại, loại như cây gạo đồng bằng, hoa đỏ rực như đốt cháy cả bầu trời, thân có gai, cái cây vừa chết ấy, và loại cây bông gòn, thân không có gai, cũng tháng tư là nở, những sợi bông trắng lửng lơ theo gió bám vào tóc vào vai người. Là nói ngày xưa, cách đây vài chục năm, chứ giờ nó thành của hiếm, thế nên cái sự cây pơ lang chết kia nó mới khiến dân tình xao xác, khiến báo chí phải quan tâm...
Mùa này mọi năm, pơ lang đang trôi.
Là cái cảm giác thế mỗi khi tôi chạy xe qua một cây Pơ lang cô lẻ bên đường, trên ấy bồng bềnh những chùm lửa, trôi qua ta, trôi miết trôi miết đến khi phía sau nhòa một sắc đỏ...
Thường thì mỗi khi cúng mà có ăn trâu, bà con Tây Nguyên bản địa lại trồng một cây Pơ lang làm cọc. Bỏ mả (pơ thi) người ta cũng trồng cây pơ lang, vì thế khi vào một làng Tây Nguyên, cứ đếm cây Pơ lang ta có ngay số lượng những lễ mà bà con làng ấy đã làm.
Ngoài ra ở Tây Nguyên mùa này còn một loại cây nữa cũng giống Pơ lang, nó là loại vông rừng, hoa cũng rất đỏ, rất rực rỡ.
Nhắc vông rừng lại nhớ ngô đồng, là cái cây ngô đồng nổi tiếng trong thơ: Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu- Một chiếc lá ngô đồng rụng, thiên hạ đều biết mùa thu đang đến... Ở Huế có mấy cây ngô đồng như thế, người ta xếp nó vào loại "Huế bảo"- tương đương quốc bảo, giữ gìn và bảo tồn với chế độ đặc biệt như bảo tồn hệ thống đền đài lăng tẩm. Và rất nhiều trong thơ, cả ca dao nữa: Chiều chiều ra đứng Tây lầu Tây, thấy cô tang tình gánh nước, tưới cây tưới cây ngô đồng. Rồi: Ô hay, buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông... Tất nhiên là liên tưởng thế chứ vông rừng và ngô đồng hình như là khá xa nhau. Nhưng dù thế nào, nó cũng là giống cây quý, ít nhất là bởi nó hiếm. Vậy nên, pơ lang ấy, nó không chỉ là cái cây thông thường, không chỉ là cái cọc buộc trâu để ăn, buộc rượu để uống. Mà đối với người Tây Nguyên, nó còn là nơi trú ngụ của các vị thần, hay chính xác là nơi… trung chuyển. Từ cao xanh các vị về nóc nhà rông, về các ngọn cây pơ lang cho “gần dân, lắng nghe dân”. Nó trở thành một phần của đời sống tâm linh của người Tây Nguyên…
Pơ lang vẫn trôi, ít nhất là trong tâm tưởng tôi, giữa tháng 3 Tây Nguyên trời xanh mây trắng. Và Pơ lang từng đỏ...
Giờ nó chết rồi, cây Pơ lang ngay đầu vào thành phố Pleiku ấy. Một trời ký ức bùng vỡ...
Giờ ở Tây Nguyên ấy, khá hiếm pơ lang, k’nia và cả xà nu. Muốn ngó muốn xem, phải xuống những làng rất xa. Mà tôi cũng từng “đi tìm rừng xà nu”, tên cái bút ký của mình dạo lâu rồi, tới được cái làng Giẻ Triêng được cho là Xô Man thuở ông Nguyên Ngọc viết ấy, làng trơ trọi, không một bóng cây, xà nu càng không...
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.