Việc phát hiện độc tố amiăng trong xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc lại một lần nữa làm dấy lên lo ngại của người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới về chất lượng và mức độ an toàn của hàng hóa Trung Quốc. Trước đó, đồ chơi Trung Quốc bị phát hiện chứa lượng chì vượt quá mức cho phép, sữa bị nhiễm melamine và thức ăn dành cho thú cưng không chỉ gây hại cho cún mà đủ sức giết chết trẻ em.
Trao đổi với PV Người đưa tin, TS. Vật lý Nguyễn Văn Khải cho biết: Từ những năm 1930, ở Pháp đã có cuộc biểu tình tẩy chay, chống chất amiăng và các công ty sản xuất có chất amiăng phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị ảnh hưởng từ chất này. Sau đó, từ năm 1955 đến 1997, ở nhiều nước trên thế giới cũng nói nhiều về chuyện này và điển hình ở Đức, Argentina, Brazil đã có lệnh cấm sử dụng chất amiăng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, amiăng vẫn được sử dụng phổ biến sản xuất tấm lợp fibroximang, chất cách nhiệt ủ trong các lò.
Ảnh minh họa
“Việc Trung Quốc sản xuất ô tô có chất amiăng thì tôi mới biết thông tin qua báo chí, còn thực hư họ có sử dụng hay không thì chưa thể khẳng định. Còn nói về mức độ độc hại của chất amiăng thì khoa học đã chứng minh amiăng gây viêm phổi, ung thư. Nếu chúng ta phát hiện thị trường Việt Nam có nhập dòng xe này thì phải tẩy chay. Vì khi sử dụng, quá trình ăn mòn, chất này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, khi mọi người hít phải gây tổn thương phổi nặng nề. Theo tôi, phải cấm sử dụng hoàn toàn chất này”, TS. Khải nói.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WTO), không có ngưỡng nào thật sự an toàn khi tiếp xúc với amiăng. Tất cả các dạng amiăng đều có thể gây ung thư và các bệnh trầm trọng khác cho con người, nhất là amiăng xanh và nâu. Vậy nhưng, hiện nay hầu hết các cơ sở sản xuất tấm lợp fibroximang ở nước ta đều sử dụng chất amiăng làm nguyên liệu. Nếu không được bảo hộ tuyệt đối an toàn, nguy cơ mang mầm bệnh cho những lao động trực tiếp tiếp xúc với amiăng là không thể tránh khỏi.
Được biết, Bộ TN&MT đã từng có đề tài nghiên cứu, đánh giá hiện trạng môi trường các cơ sở sản xuất tấm lợp fibroximang và ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người. Nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng các công nghệ xử lý bụi, xử lý nước thải chỉ chiếm khoảng 30%. Hầu như toàn bộ các cơ sở sản xuất đều bị ô nhiễm, đặc biệt có đến 78% số cơ sở bị ô nhiễm bụi amiăng trong phân xưởng sản xuất, nơi bị ô nhiễm nặng nhất có đến 4, 2 sợi amiăng/cm3 (vượt quá mức cho phép đến 8, 7 lần) trong khi đó TCVN là nhỏ hơn 0, 5 sợi/ml.
Theo BS. Vũ Hải (Bệnh viện K), amiăng không gây bệnh tức thì cho những người tiếp xúc với chúng, tác hại của amiăng thường kéo dài nhiều năm sau mới xuất hiện. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào về tác dụng cấp tính của amiăng đối với con người. Tuy nhiên, cuối những năm 80 của thế kỷ trước, người ta bắt đầu phát hiện hàng loạt bệnh nhân bị tử vong do các bệnh về phổi đều đã từng làm việc ở các cơ sở sản xuất amiăng. Amiăng khi đã khu trú trong niêm mạc phổi (do con người hít phải), chúng không bị phân hủy theo thời gian. Đến một lúc nào đó, khi đã tích tụ được một lượng nhất định, những hạt bụi amiăng sẽ góp phần làm suy hô hấp một cách từ từ và trở thành một trong những tác nhân gây nên bệnh ung thư phổi.
Tại Việt Nam, ngày 1/8/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 115/QĐ-TTG, trong đó có nội dung: Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng cần có kế hoạch nghiên cứu và sử dụng vật liệu thay thế cho amiăng trong sản xuất tấm lợp, đồng thời không tăng sản lượng và không đầu tư mới cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng. Từ năm 2004, không được sử dụng vật liệu amiăng trong tấm lợp Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 20/7/2004, Chính phủ đã có Quyết định số 113/QĐ-TTg sửa đổi một số điều của Quyết định 115. Theo đó, chỉ nghiêm cấm việc sử dụng amiăng amphibole (amiăng xanh và nâu) và vẫn cho phép sử dụng amiăng Chrysotyle (amiăng trắng) để sản xuất tấm lợp, song phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn môi trường và y tế. Đồng thời cũng đề ra lộ trình cải tạo, xử lý môi trường và tiến dần tới thay thế hoàn toàn amiăng bằng các loại vật liệu khác an toàn hơn.
N.Giang- H.Mai