Hiện tại đã bước vào cái tuổi "thất thập cổ lai hi", ông hồi tưởng cuộc đời đầy trải nghiệm của mình như một cuốn phim ly kỳ đầu tới cuối.
Sài Gòn, địa bàn hoạt động của Henry
Trở thành giang hồ như một định mệnh
Ngày ấy, siêu trộm Ba Tĩnh là một huyền thoại được giới giang hồ kính nể. Điều đặc biệt là hắn mang hai dòng máu Pháp - Việt và cất tiếng khóc chào đời tại Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cũ (bây giờ Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương). Mới lọt lòng mẹ, Ba Tĩnh được đặt tên Pháp là Henry Martin. Cha là một người Pháp gốc gác đảo Corse. Người đàn ông này xuất xứ dân giang hồ nước Pháp. Ông theo làn sóng thực dân sang Việt Nam với ước mơ hải hồ tang bồng hồ thủy. Dừng bước giang hồ ở miền Đông Nam Bộ, gã trai Pháp ưa máu giang hồ đãp lập một đồn điền cao su và lấy một phụ nữ Việt xinh đẹp làm vợ.
Người vợ Việt sinh cho chồng Pháp bảy đứa con lai mà Henry Martin là anh cả. Thời niên thiếu, Henry được cha thương yêu và dạy cách cai quản đồn điền. Có lẽ, Henry thừa hưởng dòng máu của cha nên trở thành tay giang hồ trứ danh như một định mệnh. Mẹ hắn ỷ vào sản nghiệp của chồng nên đam mê cờ bạc. Bà nghiền đỏ đen đến mức khiến gia đình sạt nghiệp khánh tận. Cha của Henry buồn rầu, lao tâm lâm bệnh nặng phải vào nhà thương nhờ các bà xơ chăm sóc rồi sớm lìa đời. Giận mẹ đẩy cha tới chỗ chết, khiến gia đình khánh tận, Henry trở nên ngỗ nghịch.
Mới lớn, Henry đã cặp bồ bịch tùm lum và rồi bỗng nhiên đòi cưới vợ. Với tình khí của một thanh niên mới lớn, lại có máu chơi bời nên Henry sớm bỏ vợ, lìa con, dấn thân vào giang hồ. Khởi nghiệp bất lương, chàng thanh niên lai Pháp đẹp trai chuyên tổ chức cướp ở cầu Gò Dầu (Tây Ninh). Hắn thường xuyên cướp cạn hàng của những người buôn lậu từ chợ trời biên giới về. Không ai có thể truy đuổi kịp tên cướp cao kều chạy nhanh, có bước sải chân dài gần như ngựa. Cứ vậy, Hắn đi theo cái "nghề" này để kiếm tiền tiêu xài suốt thời thanh niên.
Sau đó, Henry nhận ra nghề này chẳng vinh hạnh gì nên quyết định chuyển sang nghề khác. Hắn được một người bạn giang hồ truyền chuyển sang ăn trộm cho an nhàn hơn. Thế là, tên cướp nổi tiếng ngày nào chuyên đi trộm xe đạp ở Tây Ninh. Táo tợn hơn, Henry còn "canh me" những xe đạp lôi mà chủ hớ hênh mất cảnh giác. Anh ta tháo bỏ thùng lôi, lên yên đạp xe mất hút rồi bán lấy tiền tiêu xài.
Đến tuổi quân dịch, vì trước đó đã bán quốc tịch Pháp lấy tiền ăn tiêu nên hắn phải đi lính. Ngày ấy, những thanh niên có quốc tịch Pháp nghiễm nhiên được miễn quân dịch. Hắn đăng vào sắc lính biệt kích đóng trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh). Henry được phân công thủ cây trung liên Baz bắn yểm trợ phản kích. Đơn vị biệt kích của hắn nhiều lần đánh nhau tơi bời với quân giải phóng. Ngày ấy, Henry nổi tiếng gan lì cùng đa mưu túc trí trong quân ngũ.
Thỉnh thoảng, hắn về phép đi thăm mộ, ngậm ngùi trước vong linh người cha tức tưởi qua đời vì mẹ. Hễ gặp bà mẹ hư đốn đâu là hắn chửi bới. Lúc ấy, người đàn bà này đã sống với người chồng kế chuyên nghề cờ bạc. Cha mất, mẹ lấy chồng khác, anh em của Henry tứ tán mỗi người một nơi. Thằng em kế làm thợ hàn lương thiện hay chỉ trích ông anh bất lương. Một em trai cùng đứa em gái yên thân trong cơ sở kinh doanh địa ốc của bạn cha. Thằng em út trở thành tay chôm chỉa hàng quân dụng của Mỹ.
Duyên nợ vợ chồng
Trong một buồi chiều tại đồn trú ở núi Bà Đen (Tây Ninh), anh lính biệt kích Henry tình cờ gặp một phụ nữ giận chồng, dắt con thơ bỏ nhà đi hoang. Bọn lính thèm khát hơi đàn bà nên bàn nhau dụ dỗ người phụ nũ bơ vơ để "giải khuây". Biết được dã tâm của các đồng ngũ, Henry ra tay nghĩa hiệp cứu giúp thân xác người phụ nữ lạ mặt. Thế là giữa trai độc thân và gái đã có chồng nảy sinh tình cảm. Một thời gian sau, nàng từ biệt chàng trở về gia đình mà trong lòng lưu luyến. Sau đó, nàng không chịu nổi sự hà khắc của chồng nên dắt con theo Henry.
Người đàn bà này có một quá khứ đau buồn. Cha mẹ ly hôn từ khi cô còn nhỏ. Người cha đáng thương nuôi ba đứa con thơ cho ăn học đàng hoàng. Lớn lên cô ở với mẹ kế, người luôn dòm ngó kiếm chuyện nói xấu đứa con chồng. Không chịu được cảnh mẹ ghẻ con chồng, cô nữ sinh trong trắng bỏ nhà đi hoang mặc cho người cha đáng thương than khóc. Từ đó, cô về sống với mẹ ruột của mình. Sau đó út lâu, cô gái đáng thương được một anh lính bảo an cưu mang lấy làm vợ. Họ có với nhau một đứa con gái. Anh chồng lính gốc Bắc tính tình hay câu nệ khiến cô vợ miền Nam chịu không nổi nên thường xuyên bỏ nhà ra đi.
Cảm thương thân phận người phụ nữ bất hạnh và đứa con thơ, anh lính biệt kích Henry kết nghĩa vợ chồng với cô. Việc cưu mang hai mẹ con tội nghiệp khiến Henry vất vả. Hắn dành dụm tiền lương nuôi vợ con. Hàng ngày, Henry mang khẩu phần đồ hộp của lính về cho vợ con vui hưởng. Nhiều đêm trằn trọc mất ngủ, Henry gác tay lên trán suy nghĩ đời lính sống nay chết may, lỡ may bỏ mạng chốn sa trường thì ai sẽ bao bọc vợ con. Do vậy, anh ta quyết định đào ngũ trở lại nghề trộm cắp để lấy tiền chu toàn bổn phận với vợ con.
Nghĩ là làm, Henry dắt vợ con rời núi Bà Đen xuống Sài Gòn kiếm sống. Sài Gòn là thiên đường cho hắn trổ tài đạo chích. Mỗi sáng, sau khi uống cà phê, điểm tâm, Henry thả bộ tà tà trên đường. Phát hiện xe gắn máy Sachs nào dựng hớ hênh hắn liền ra tay nẫng gọn.
Nhận thấy, trộm cắp lẻ tẻ khó trúng quả đậm, Henry quy tụ chiến hữu tổ chức nhiều lần "nhập nha". Một lần, hắn cùng đồng bọn mở khóa đột nhập một tiệm vải lớn ở ngã ba Ông Tạ (quận Tân Bình ngày nay). Lúc ấy, chủ tiệm là một sĩ quan nổi tiếng hét ra lửa phát hiện bị trộm chỉ biết đi tới đi lui trên lầu. Hắn tra băng đạn vào khẩu Colt nhưng không dám xuống bắn. Kết cục, Henry cùng đồng bọn vét sạch vải trong tiệm, chở đầy ba chuyến xe lam. Mang "chiến lợi phẩm" giải giao cho "lò" tiêu thụ đồ gian, cả bọn lấy nhiều tiền chia nhau. Trúng quả, vợ con Henry lại được dịp tiêu xài thỏa thích. Từ đó, chị vợ lại hư đốn "nướng" nhiều tiền vào sòng bạc.
Sau "quả đậm" ở tiệm vải, Henry tình cờ gặp một số lính biệt động chuyên trộm cắp "ăn" được rất nhiều hàng đang lúng túng chở đi tiêu thụ. Henry nhanh trí điều động đánh lừa bọn chúng và "nẫng" gọn nguyên chuyến hàng. Đến nay, nhiều người vẫn nhắc đến vụ ấy như một kỳ tích của Henry. Người ta bảo Henry không chỉ là "siêu" trộm mà còn là một tên "vua lừa" thời đó.
Trộm cắp lấy tiền nuôi vợ cờ bạc Mỗi khi thành công một vụ, Henry sung sướng mang "chiến lợi phẩm" vào "lò" tiêu thụ đồ gian, lấy nhiều tiền về nuôi vợ con. Có những buổi sáng, Henry ra khỏi nhà trọ đi bộ một đoạn đường "chôm" được chiếc xe đạp. Henry dùng chiếc xe đạp này đi một đoạn lại trộm được chiếc Mobylette và bỏ lại xe đạp cho khổ chủ. Đi thêm một đoạn khác, hắn lại "đá" được chiếc xe máy Sachs. Trong một buổi sáng, Henry thực hiện trót lọt ba vụ trộm ly kỳ như một màn ảo thuật. Tới trưa, Henry đàng hoàng đi xe máy Sachs về nhà. Càng ngày, siêu trộm càng chu cấp nhiều tiền bạc cho vợ, con. Vợ Henry thấy chồng kiếm ăn tốt nên mạnh tay tiêu xài hào phóng, rồi đâm tật cờ bạc. Con khóc thì mướn người khác dỗ; quần áo dơ thì mướn người khác giặt; nhà cửa bề bộn thuê ô sin làm… Chứng kiến người vợ hư hỏng quá mức, Henry đành mỉm cười vui vẻ bỏ qua vì tình nghĩa vợ chồng. |
Trung Nghĩa
Kỳ tới: Những cuộc "đá xế"quỷ khốc thần sầu của tay siêu trộm cắp