Mới đây, tại trụ sở đội Quản lý an toàn thực phẩm số 2, ông Phan Văn Quảng, Trưởng đoàn kiểm tra cơm tấm Kiều Giang (do công ty THNN TM-DV-XNK Kiều Giang chủ đầu tư) đã ký biên bản xử phạt vi phạm hành chính về ATVSTP đối với cơ sở này với số tiền 2,3 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Trung Phong, Giám đốc công ty Kiều Giang cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nội dung biên bản này và không có ý kiến gì khác. Đồng thời, chúng tôi cũng đã khắc phục những lỗi mắc phải”.
Theo nguồn tin mà PV có được, phía Kiều Giang đã cung cấp đầy đủ các loại hóa đơn, chứng từ, hợp đồng… mua các nguyên liệu, thực phẩm cho cơ quan chức năng. Đồng thời, số nguyên liệu thực phẩm này có chứng nhận đảm bảo ATVSTP.
Thế nhưng, trước đó, hàng loạt thông tin tràn lan về cơm tấm Kiều Giang có chất phụ gia, dùng chất cấm… khiến người tiêu dùng hoang mang và doanh nghiệp này lao đao.
Liên quan đến vụ việc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATVSTP TP.HCM cũng trả lời: "Kiều Giang đã bị thiệt hại do thương hiệu bị ảnh hưởng. Từ đó, đẩy doanh nghiệp rơi vào các cuộc khủng hoảng về thương hiệu và thậm chí sạt nghiệp".
Tương tự, như vụ việc liên quan đến công ty CP Con Cưng (chủ thương hiệu chuỗi cửa hàng Con Cưng) mới đây, hiện bộ Công Tthương đã có quyết định thành lập tổ rà soát, đánh giá quy trình kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với hành vi của Con Cưng của cục Quản lý thị trường (bộ Công thương). Đồng thời, đánh giá đối với hành vi của từng cán bộ có liên quan trong tổ công tác trước đó.
Hiện dư luận đang đặt ra câu hỏi, kết luận sai phạm đối với Con Cưng không nghiêm trọng như nhận định ban đầu, đặc biệt là từ những phát ngôn của lãnh đạo đoàn kiểm tra dẫn tới những thiệt hại cho doanh nghiệp. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Đồng quan điểm, các chuyên gia cũng nhìn nhận theo hướng bảo vệ doanh nghiệp. TS Nguyễn Văn Hùng, một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho rằng: "Doanh nghiệp khi bị kiểm tra, ví như Con Cưng thì phải công bố kết quả ngay, chứ ngâm rồi sau đó lại kết luận sai sót không đáng có.... khiến dư luận càng bức xúc hơn. Rồi mới đây, cơm tấm Kiều Giang cũng cho thấy, hình như cơ quan chức năng đang làm phiền, gây nhũng nhiễu cho doanh nghiệp. Vì những lỗi như thế thì chỉ cần nhắc nhở, chứ không nên lập biên bản xử phạt. Làm thế chẳng khác nào vạch lá tìm sâu”.
“Để xây dựng một thương hiệu là cả một quá trình phấn đấu, tìm tòi, nỗ lực và kết hợp nhiều yếu tố. Nó hoàn toàn không đơn giản như mọi người nghĩ. Tuy nhiên, có thể, một thông tin nhỏ cũng đủ khiến doanh nghiệp phải chết, đặc biệt khi ngày nào cũng có hàng chục tờ báo mạng đưa tin. Thế thì còn kinh doanh gì nữa”, ông Nguyễn Tú, Giám đốc một đơn vị chuyên tư vấn, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp tại quận 1, TP.HCM cho biết.
Cũng theo ông Tú, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền khởi kiện các cơ quan chức năng, từ đó mới có thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp rất sợ phải đụng tới cơ quan công quyền.
“Hiện Việt Nam đang lấy doanh nghiệp làm động lực cho sự phát triển kinh tế, do đó, phải từ bỏ tư duy ép buộc doanh nghiệp. Cứ đến kiểm tra sẽ sai sót, thế nào “nó” cũng chết”. Nếu không thì sẽ rất khó phát triển”, chuyên gia Hùng nói thêm.