Lý do khiến tôi không tin là vì tuy có nhiều điểm tương đồng giữa những ý kiến phát biểu trên nghị trường với quan điểm trong bài viết nhưng tôi không thể ngờ ĐB. Phước lại ứng xử thiếu văn hóa, hồ đồ, xuyên tạc đến như vậy.
Về văn hóa ứng xử, chưa nói đến những ngôn từ đầy tính xúc phạm người khác như “loạn ngôn”, “hiếu chiến”, “háo thắng”, "bất tri, vô trí”, “Dương Trung Quốc đã nói xằng bậy” mà chỉ riêng cái tên bài Dương Trung Quốc: Bốn điều sai năm cũ (Tứ đại ngu) đã thể hiện khá đầy đủ tầm văn hóa của tác giả. Bởi một người có văn hóa tối thiểu sẽ không bao giờ nói người khác là “ngu”, một từ mang tính sỉ nhục trong tiếng Việt. Nhất là khi nó lại được dùng để chỉ một đồng nghiệp, người đã từng là ĐB QH 3 nhiệm kỳ, hiện là Phó chủ tịch kiêm TTK Hội KHLS VN, Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO Hà Nội, TBT Tạp chí Xưa và Nay thì không chỉ là sỉ nhục cá nhân mà còn xúc phạm cả những tổ chức mà ông Quốc là một trong những người lãnh đạo.
Về sự hồ đồ và xuyên tạc, chỉ xin bàn riêng đối với phần “Giới thiệu đôi nét về Dương Trung Quốc” trong bài viết đã thể hiện rất rõ điều này. Sau khi giới thiệu quê quán, năm sinh… bài viết chủ yếu là giễu cợt việc “tự dưng có danh xưng” là “Nhà sử học” của ông Quốc. Công bằng thì đây là sự nhầm lẫn của không ít cơ quan thông tin đại chúng và cả Bách khoa toàn thư mở Wikipedia khi “vu” cho ông Quốc những chức danh GS, TS hay nhà sử học. Đến thời điểm hiện tại, ông Quốc chỉ là cử nhân, không phải là tiến sĩ mà cũng chưa bao giờ được phong danh hiệu PGS, GS và cũng không phải là nhà sử học. Điều này, ông Quốc đã nhiều lần “đính chính” công khai trên báo chí. Có lần trả lời câu hỏi vậy chính xác nhất, nên ghi chức danh khoa học của ông là gì, tôi đã nhận được câu trả lời từ ĐB. Quốc: “Tôi là người nghiên cứu lịch sử!”.
Từ suy nghĩ trên, tôi mới đoan chắc “tứ đại ngu” không thể là của ông Hoàng Hữu Phước, một người có bằng thạc sĩ kinh doanh quốc tế, từng đứng trên bục giảng nhiều năm, lại là đại biểu cho cử tri của một thành phố lớn, nơi hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức và các nhà khoa học hàng đầu của đất nước thì không thể có cách nói hồ đồ, thiếu văn hóa đối với một đồng nghiệp đến như thế.
Tiếc là tôi đã sai. Ông Phước thừa nhận mình là tác giả bài viết đồng thời gửi lời xin lỗi ĐB. Dương Trung Quốc.
Tuy nhiên, do việc làm của ĐB. Phước khá nghiêm trọng nên theo tôi, không thể chỉ xin lỗi mà cần phải xem lại tư cách đại biểu của ông Phước. Thậm chí, cần phải xem xét trên khía cạnh pháp luật bởi như lời của ĐB. Lê Như Tiến: “… không được bôi nhọ nhân phẩm và danh dự của người khác, không thể nói tùy thích cho “sướng miệng” mình mà làm phương hại đến người khác. Luật Hình sự có quy định cụ thể về những hành vi, tội danh liên quan đến vấn đề này”.
Mặt khác, cần phải xem xét kỹ khâu lựa chọn người vào Quốc hội như ý kiến của bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng ban Công tác ĐB của UBTVQH: “Đây là lần đầu tiên Quốc hội gặp một trường hợp không bình thường như thế. Có thể sau vụ việc này cần phải xây dựng một quy chuẩn về văn hóa nghị trường. Đặc biệt nhất là việc lựa chọn người vào Quốc hội, chúng tôi rất suy nghĩ sao cho lựa chọn được người xứng đáng”.
Chợt nhớ lại cách đây ít lâu, với lý do dân trí thấp, dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn, ĐB. Phước đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên UV BCT đã viết bài thơ “Nhân dân” đăng trên BLOG Người yêu thơ của Dân trí, trong đó có câu: “Tôi nghĩ mãi - Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?”.
Trả lời báo chí, ông Phước nói mình chấp nhận tất cả mọi hình thức xử lý của Quốc hội nhưng do sự việc khá nghiêm trọng nên có lẽ ngoài câu hỏi:“Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?” của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng cần xem xét vụ việc theo cách nhìn pháp lý như ý kiến của ĐB. Lê Như Tiến, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám (Dantri.com.vn)