Gã đầu bếp “buôn súng”
Thượng tá Lê Khắc Minh – Trưởng phòng CSĐT TP về Ma tuý Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, gần đây, từ kết quả mở rộng khám phá, đấu tranh các vụ án, đơn vị phát hiện ra một đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sản xuất vũ khí quân dụng có phạm vi liên tỉnh. Mọi hoạt động giao dịch, mua bán đều diễn ra trên không gian mạng xã hội.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Dương Văn Tiến, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra và Đại tá Nguyễn Hữu Mạnh (nay là Giám đốc Công an tỉnh Nam Định), Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá, một chuyên án chung của các phòng nghiệp vụ thuộc lực lượng Cảnh sát và lực lượng An ninh Công an Thanh Hóa do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì phối hợp với các Phòng Kĩ thuật nghiệp vụ, An ninh điều tra, Cảnh sát hình sự, Kỹ thuật hình sự và Phòng Cảnh sát cơ động được thiết lập.
Các trinh sát, điều tra viên dày dặn kinh nghiệm được huy động tham gia chuyên án, tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để điều tra phá án.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ và sự nhạy bén của các trinh sát, điều tra viên, ban chuyên án đã phát hiện và nắm rõ quy luật hoạt động của các đối tượng trong đường dây chuyên chế tạo, tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng quy mô lớn liên tỉnh do Nguyễn Trần Du (SN 1993) thường trú tại thôn Thái Hòa, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá cầm đầu. Du móc nối với một số đối tượng ở phía Nam mua vũ khí và bán cho nhiều đối tượng hình sự ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.
Lên mạng xã hội học chế tạo súng và vũ khí nóng
Theo tài liệu trinh sát thu thập được, Nguyễn Trần Du đã vào tỉnh Bình Dương làm ăn, sinh sống hơn 10 năm nay. Trước khi phạm tội, Du làm nghề đầu bếp cho một nhà hàng trên địa bàn Bình Dương, trong một lần lang thang trên mạng xã hội, Du quen biết rồi thân thiết với các đối tượng mua, bán linh kiện chế tạo súng, vũ khí quân dụng trái phép.
Qua một vài phi vụ giao dịch thấy có lời, kiếm tiền nhanh hơn nghề nấu ăn, sau đó không lâu Du bỏ nghề cũ, dấn sâu vào con đường mua, bán vũ khí bất hợp pháp. Bằng các kỹ năng học lỏm trên mạng xã hội, Du trực tiếp đặt hàng các linh kiện rời (tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng) rồi mày mò, chế tạo ra các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng sát thương y như súng quân dụng, rồi bán lại cho các đối tượng có nhu cầu.
Trong đó, đáng chú ý là mối quan hệ mật thiết giữa Nguyễn Trần Du và Huỳnh Văn Quá (SN 1994) ở tỉnh Cà Mau. Du được xem là “thầy” dạy cho Quá cách đặt hàng, cách chế tạo, lắp ráp các linh kiện thành vũ khí… rồi rao bán trên mạng xã hội.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là tạo các tài khoản trên mạng xã hội rồi tham gia vào các hội nhóm rao bán vũ khí quân dụng. Khi có người đặt mua, các đối tượng chọn cách thanh toán qua tài khoản ngân hàng, riêng vũ khí thì vận chuyển bằng ô tô, sau đó thuê shipper giao cho khách. Quá trình giao dịch, các đối tượng sử dụng mạng xã hội hoặc sim rác, sim không chính chủ để liên lạc khi cần thiết, nhằm tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng.
Sau khi xác định rõ vị trí, vai trò của các đối tượng trong đường dây, ngày 21/2/2024, ban chuyên án đã quyết định phá án.
Các trinh sát bắt quả tang đối tượng Nguyễn Trần Du khi hắn đang giao dịch mua bán súng quân dụng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn. Tại chỗ, lực lượng Công an đã thu giữ 3 khẩu súng ngắn và 63 viên đạn các loại. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Trần Du tại phòng trọ (phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), Công an thu giữ thêm 30 viên đạn.
Tiếp tục đấu tranh, mở rộng chuyên án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ thêm 3 đối tượng trong đường dây này, gồm: Phạm Văn Sơn (Tp Hải Phòng), Huỳnh Văn Quá (Cà Mau) và Nguyễn Hải Âu (Long An). Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng này, lực lượng Công an đã thu giữ 11 khẩu súng ngắn, 1 súng bút tự chế, 5 quả lựu đạn, 8 quả nổ tự chế, hàng nghìn viên đạn, đầu đạn, vỏ đạn của các loại súng, linh kiện chế tạo súng và máy móc, hoá chất, dụng cụ để chế tạo vũ khí...
Thượng tá Lê Khắc Minh cho biết, các loại vũ khí sau khi thu hồi, kết quả giám định cho thấy, số vũ khí này đều có sức công phá rất mạnh, giống như các loại vũ khí được sản xuất theo quy định. Riêng công cụ hỗ trợ, bọn chúng chỉ cần thay thế một số bộ phận như piston, nòng… là đã trở thành một khẩu súng quân dụng.
Tại cơ quan Công an, bước đầu các đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trong đó, Nguyễn Trần Du và Nguyễn Hải Âu là 2 đối tượng chuyên đặt mua súng, các linh kiện súng, lựu đạn của Huỳnh Văn Quá sau đó cải tiến, chế tạo thành vũ khí quân dụng để bán cho các đối tượng hình sự kiếm lời.
Sau khi mua được súng của Huỳnh Văn Quá qua mạng xã hội zalo, Nguyễn Trần Du đã mời chào và bán cho Phạm Văn Sơn 2 khẩu súng ngắn côn quay, 2 quả lựu đạn và 50 viên đạn với giá 30 triệu đồng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 đối tượng trên để điều tra về tội Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng theo Điều 304, Bộ luật hình sự.