Đề xuất đấu giá theo phần trăm
Thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, mức giá khởi điểm khá thấp.
“Chẳng hạn về đấu giá số điện thoại, mức giá khởi điểm chỉ khoảng 262.000 đồng là quá thấp và là số lẻ”, ông Cảnh nêu ý kiến.
Nêu thực tế, có một số tài sản, giá khởi điểm thấp, giá trúng lại cao gấp vài nghìn lần, do đó đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị điều chỉnh lại mức giá linh hoạt hơn. Ông cũng đề nghị bổ sung thêm mức giá theo phần trăm (%) ngoài mức giá tối đa, tối thiểu, cố định trong dự luật.
“Chẳng hạn khi đấu giá số điện thoại, giá khởi điểm là 262.000 đồng nhưng khi đấu giá lên đến 1 triệu, mức giá tiếp theo nên là 5% của 1 triệu; khi đến 100 triệu, mức tiếp theo là 5% của 100 triệu. Như vậy, mức đấu giá sẽ phù hợp”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu ví dụ.
Ông Cảnh cho hay, thực tế, trong thời gian đấu giá biển số ô tô, có nhiều biển được trả rất cao.
“Nhiều biển số được đấu giá lên đến hàng tỷ nhưng người sau có khi chỉ cần thêm 5 triệu là đã thắng. Như vậy, rất vô lý. Khi đã ở mức 1 tỷ, giá sau cần trả cao hơn khoảng 50 triệu như vậy mới hợp lý”, ông Cảnh nêu quan điểm và cho rằng, “người ta đã sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ thì họ không chi li lắt nhắt vài triệu”.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh góp ý kiến về quy định bỏ kết quả đấu giá. Theo đó, nếu người đấu giá chứng minh được, họ có yếu tố bất khả kháng dẫn đến bỏ đấu giá như mất tài sản, lũ lụt, gặp tai nạn thì có thể được chấp nhận, không bị xử lý còn không thì nên cấm người đó đấu giá tài sản trong khoảng thời gian.
Tránh đấu giá thành rồi bỏ cọc
Về xem xét bổ sung quy định xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan tại Điều 70 Luật Đấu giá tài sản mà bỏ cọc, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thực tiễn thời gian vừa qua, đã xảy ra trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc không nộp tiền để nhận tài sản trúng đấu giá, đặc biệt là đối với các tài sản có giá trị rất lớn, thí dụ như với biển số xe và bất động sản.
Đại biểu Yến nêu ví dụ mới đây nhất trong phiên đấu giá biển số xe hôm 15/9 của Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, có một cá nhân ở Tp.HCM đã trúng đấu giá biển số 51K-888.88 với giá trên 32 tỷ nhưng không nộp tiền trúng đấu giá, chịu mất tiền cọc 40 triệu.
Hay sự việc Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt (đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trực tiếp tham gia đấu giá có văn bản chính thức xin bỏ cọc mua bán quyền sử dụng lô đất số 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Tp.Thủ Đức) và bỏ số tiền đặt cọc gần 600 tỷ đồng.
Thực trạng pháp luật hiện nay, theo quy định của Luật Đấu giá tài sản thì người đấu giá có quyền bỏ cọc và hiện chưa có chế tài về vấn đề này. Luật chỉ quy định người đã trúng đấu giá mà không đóng tiền, thì mất tiền cọc theo Điều 19 Nghị Định 39 năm 2023 của Chính phủ.
Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định các tài sản do Nhà nước quản lý khi đấu giá, thì không được bỏ cọc. Nếu có người bỏ cọc thì cần bổ sung, điều chỉnh sửa chế tài xử lý hành vi bỏ cọc này.
Chẳng hạn có thể phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc 30% giá trị tài sản đấu giá, để tránh đấu giá thành rồi bỏ cọc.
Về bổ sung quy định về người đứng đầu Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bô sung điều khoản quy định về Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản theo hướng là đấu giá viên hoặc người đã từng công tác và giữ các chức danh tư pháp tương đương.
Lĩnh vực đầu giá tài sản là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. "Do đó, việc bổ sung quy định trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương, thuận tiện cho việc chuyển đổi vị trí công tác, thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngành", bà Yến nói.
Cần quy định ngăn người đấu giá "đi đêm"
ĐBQH Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cơ bản nhất trí sửa đổi luật, bởi Luật đấu giá tài sản mới được tổ chức triển khai khoảng 5 năm nhưng đến nay đã phát sinh nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc.
Trong tờ trình của Chính phủ để sửa luật, cũng đã nêu rõ ba lý do phải sửa. Trong đó, ở lý do thứ hai đã nêu rõ thực tế phát sinh nhiều tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản, vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp…
Theo đại biểu Luyến, trong dự thảo sửa đổi lần này đề nghị ban soạn thảo, thẩm tra quy định thêm về hành vi của người tham gia đấu giá tài sản và đấu giá viên.
Trên thực tế, có xảy ra hiện tượng cơ quan đấu giá và người đấu giá có thông tin "phím" cho nhau. Để phát hiện, xử lý việc này rất khó khăn.
Chẳng hạn khi đấu giá tài sản A và có 10 người tham gia, người đấu giá thực sự phải đi thoả thuận ngầm với những người còn lại.
“Chẳng hạn tài sản của giá trị thật có thể lên trên 22 tỷ nhưng tôi chỉ trả 21 tỷ thôi và thoả thuận để những người khác không trả quá số tiền này. Còn 1 tỷ, tôi dùng để trả cho những người tham gia đấu giá.
Nếu không có thoả thuận, nhiều người có thể phá bằng cách trả giá rất cao rồi bỏ, không nhận. Và lần hai, lần ba người này vẫn được tham gia đấu giá tiếp”, bà Luyến nêu ví dụ và cho biết thực tế này đã xảy ra ở Tp.HCM và ở Điện Biên khi đấu giá một số tài sản công quy mô nhỏ. Do đó, đại biểu Luyến cho rằng phải có quy định để hạn chế hành vi "đi đêm" này.