Âm nhạc giao hưởng vẫn là món ăn tinh thần tương đối kén chọn khán thính giả, nó đòi hỏi người thưởng thức phải am hiểu và có một số kiến thức nhất định về thể loại âm nhạc này.
Người dân, kể cả những người có trình độ âm nhạc, phần đông thích nghe dòng nhạc quê hương, vì nó gần gũi, thiết thực và gắn với cảm thức văn hóa lúa nước, sông nước hàng ngàn năm của người Việt.
Riêng giới trẻ thì có thể thấy, họ cũng không hứng thú với nhạc giao hưởng vì người nghe ngoài việc lắng ở tầng sâu còn phải có sự hiểu biết về âm nhạc, kinh nghiệm, vốn sống.
Hơi dài dòng như thế để thấy rằng, dòng nhạc giao hưởng cho đến nay cơ bản vẫn còn xa lạ, thậm chí có phần xa xỉ đối với người Việt Nam nói chung và người dân TP.HCM nói riêng.
Gốc của nhạc
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm thứ tư Đinh Tỵ (1437), mùa xuân tháng Giêng, vua Lê Thái Tông đã sai quan Hành khiển Nguyễn Trãi cùng với Lễ bộ ty giám là Lương Đăng đốc làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa.
Nguyễn Trãi dâng biểu tâu rằng: “Kể ra, thời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm Lễ Nhạc. Song không có gốc thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần dâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”.
Vua Lê Thái Tông đã có lời khen ngợi bề tôi...
Trước đó, chia sẻ với truyền thông về dự án Nhà hát Giao hưởng nhạc và vũ kịch, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phân tích: “TP.HCM nên lấy ý kiến của dân, đáp ứng yêu cầu của họ rồi mới xây dựng Nhà hát. Dân thấy không đúng, dân phản đối nghĩa là việc đó không đúng với ý Đảng, lòng dân. Từ đó dẫn đến lãng phí, mà lãng phí có thể là lãng phí đơn, lãng phí kép”.
“TP.HCM nên tỉnh táo và hủy bỏ quyết định này, nếu không thì Chính phủ có thẩm quyền hủy bỏ quyết này bởi vì nó không hợp với ý Đảng, lòng dân”, ông Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn nói.
Vừa qua, HĐND TP.HCM thông qua dự án xây Nhà hát Giao hưởng nhạc và vũ kịch với dự trù kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng khiến nhiều người dân TP cho rằng, kế hoạch này chưa phù hợp và họ trông chờ vào những dự án dân sinh thiết thực hơn là nhu cầu giải trí.
Hơn nữa, việc xây dựng quy mô nhà hát 1.700 chỗ ngồi ở khu đất hẹp Thủ Thiêm là không đúng tầm với TP, không tạo được khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp, có cả trong nhà, ngoài trời và đủ cho các bộ môn nghệ thuật biểu diễn.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả