Đá: Giá được trẻ lại tầm chục tuổi, tôi cũng ráng đi học thạc sĩ như ai.
Đen: Nổ quá trời. Tôi nhớ ngày xưa ông chật vật lắm mới lấy được bằng đại học.
Đá: Ông thấy đứa nào trong khu đi học thạc sĩ mà “tạch” chưa? Mà chỉ mất có hơn tháng làm luận văn…
Đen: Thiên tài à? Hay tụi nó “đạo văn”?
Đá: Theo ngôn ngữ tụi trẻ thì đấy là quá trình “văn hóa”, chế biến văn của người ta thành của mình.
Đen: Đó rõ ràng là hành động ăn cắp chất xám.
Đá: Gì mà căng. Lớp hậu bối muốn kế thừa kết quả nghiên cứu thì có gì sai.
Đen: Bây giờ có phần mềm phát hiện “đạo văn” rồi. Ông cãi làm sao nổi.
Đá: Tôi tránh mấy trường đại học dùng phần mềm đó là xong.
Đen: Ông tìm hiểu cả rồi?
Đá: Dĩ nhiên. Cả nước mới có vỏn vẹn 13 trường áp dụng thôi.
Đen: Một biện pháp hữu ích như thế này, sao các trường lại “thờ ơ” nhỉ?
Đá: Chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm đấy ông ạ. Có phải miễn phí đâu.
Đen: Đầu tư vào bao nhiêu cái không thực sự cần thiết còn được…
Đá: Luận văn còn phải bước qua cửa thầy hướng dẫn và hội đồng bảo vệ nữa mà.
Đen: Cho tôi xin. Đến thầy hướng dẫn còn chẳng phát hiện ra luận văn thạc sĩ sao chép luận án tiến sĩ kia kìa.
Đá: Đấy là vụ việc hi hữu…
Đen: … bị phát hiện? Liệu còn bao người thầy vì “thương” mà giấu giếm, bao che cho học viên?
Đá: Ông hỏi tôi thì tôi biết hỏi ai.
Đen: Vậy mới nói phải đầu tư vào công nghệ. Vừa nhanh chóng, vừa không phải chọn mặt gửi niềm tin.
Đá: Làm thế chỉ giải quyết được phần ngọn.
Đen: Tôi lại coi đấy là cách xử lý triệt để nhất.
Đá: Ông không thấy học sinh bây giờ phải học thuộc lòng văn mẫu à?
Đen: Từ hồi xưa vẫn vậy mà. Không làm thế sao được cô cho điểm cao.
Đá: Đấy, cái chính là phải thay đổi tư duy dạy học vẹt kia.
Đ.Đ