Bác tôi – một người Hà Nội gốc đã xa quê nhiều năm – mỗi lần trở lại Thủ đô đều không khỏi cảm thấy ngột ngạt trước tình cảnh giao thông hỗn loạn của quê hương.
Bác bảo, Hà Nội mấy chục năm trước hiền hòa chứ không ồn ã như bây giờ. Theo thời gian, cuộc sống phát triển kéo theo tốc độ đô thị hóa gấp gáp khiến cho cao ốc mọc lên như nấm, người và xe cứ thế lấp đầy các con đường. Và một điều kỳ lạ, là thói quen đi xe trên vỉa hè chắc chỉ có ở Hà Nội.
Thật vậy, sống ở Hà Nội nhiều năm, tôi cũng không hiểu nổi vì sao người dân nơi đây thường xuyên di chuyển bằng xe trên vỉa hè.
Tình trạng này vô cùng phổ biến vào những buổi sáng sớm và giờ tan tầm, ở những con phố có lưu lượng giao thông lớn như Thái Hà, Chùa Bộc, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh…
Khi đường đông không thể di chuyển nhanh, nhiều người đi xe máy không ngần ngại lấn làn, phóng sang đường bên trái, len lỏi nhích lên đứng trước mũi ô tô và lao cả lên vỉa hè. Hình ảnh này quen thuộc đến nỗi nhiều người gọi đây là lối tham gia giao thông “điền vào chỗ trống”, khiến cho lực lượng cảnh sát giao thông và thanh niên tình nguyện nhiều phen “đứng hình” vì không thể rẽ hết người ra để mở một lối thoát cho xe lưu thông.
Có lẽ có vô vàn lý do để người ta biện minh cho thói quen đi trên vỉa hè này, bao gồm: Vội đi làm, đi cho nhanh – trong trường hợp đường ngược chiều mà chỗ rẽ lại xa… Và khi phát hiện có cảnh sát giao thông thì những người này lập tức xuống dắt xe đi bộ vì họ biết chưa có chế tài nào xử phạt việc dắt xe trên vỉa hè.
Và mới đây nhất, vào sáng 5/11, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một clip khoảng 10 giây, ghi lại hình ảnh hàng trăm người dân đang tham gia giao thông bằng cách dắt bộ xe máy đi ngược chiều trên vỉa hè phố Tố Hữu.
Trong clip còn xuất hiện hình ảnh hai cảnh sát giao thông đang đứng làm nhiệm vụ, nhưng không thể ngăn cản hành động này.
Và thế là vỉa hè, nơi lẽ ra chỉ để những hàng cây xanh, nơi những ông bà cụ dắt tay nhau đi dạo, hay những cháu bé chập chững tập đi… thì bỗng dưng phải chứng kiến cả trăm người tuy dắt bộ nhưng lao ầm ầm như một cuộc di cư bất hợp pháp.
Bình luận về hình ảnh này, tôi xin được bỏ qua yếu tố khách quan về bất cập trong bố trí giao thông (các nhà quản lý chắc chắn đã nhìn ra vấn đề và sẽ điều chỉnh), mà chỉ nói về thói quen tư duy ngược, hành xử ngược của một bộ phận người dân.
Trao đổi với báo Người Đưa Tin, Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó phòng CSGT TP.Hà Nội cho biết, đây thực chất là hành vi chống đối, thách thức cơ quan chức năng.
Trong tâm lý học có một khái niệm về hiệu ứng tâm lý thú vị đó là “hiệu ứng Boomerang” được đặt tên và ghi nhận bởi một nhóm các nhà tâm lý học vào năm 1953.
Boomerang là một thứ vũ khí có kỹ thuật cao của người nguyên thủy, khi được phóng đi nó có thể tạo trong không khí những đường đi rất phức tạp, và nếu không trúng đích nó có thể quay trở lại chân người ném.
Vì lý do này, Boomerang được đặt tên cho hiệu ứng tâm lý đề cập đến những hậu quả không mong đợi của một nỗ lực thuyết phục dẫn đến việc áp dụng một vị trí đối lập thay vào đó.
Áp dụng vào hiện tượng đi/dắt xe trên vỉa hè của một nhóm người nói trên thì có thể lý giải rằng, khi con người nghĩ rằng anh ta bị giới hạn sự tự do nào đó (không được đi xe trên vỉa hè cho nhanh), ở anh ta sẽ xuất hiện hiện tượng đối kháng tâm lý, dẫn đến kích thích phải làm điều gì đó chống đối nhằm phục hồi sự tự do đã mất.
Và hành động đó chính là dắt xe trên vỉa hè, hành động giúp anh ta không vi phạm điều bị cấm mà vẫn đạt được trạng thái “tự do” nhất định (!!)
Đây là một hành động tâm lý khá bản năng, phần nào thể hiện sự hạn chế về nhận thức và ý chí tuân thủ nguyên tắc kỷ luật.
Bởi vậy muốn thay đổi hiệu ứng tâm lý này ở một bộ phận không nhỏ người dân, để Hà Nội không còn những hình ảnh xấu xí người và xe hối hả đi trên vỉa hè, ngoài các biện pháp hành chính (bổ sung chế tài xử phạt) thì cần phải nâng cao giáo dục nhận thức về việc duy trì hài hòa giữa tự do cá nhân và kỷ luật của cộng đồng.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả