Tư duy và tầm nhìn mới phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Lê Mạnh Quốc

Lê Mạnh Quốc

Thứ 6, 03/12/2021 19:08

Trước yêu cầu phát triển mới, cần có một chủ trương mới, toàn diện tập trung, xuyên suốt với tư duy và tầm nhìn mới nhằm phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Ngày 3/12, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, địa phương là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; các đồng chí trong Tổ Thư ký, giúp việc Ban Chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch Covid-19, công tác tổng kết Nghị quyết 37 gặp không ít khó khăn, kể cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng Ban Chỉ đạo đã linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động tổng kết (như tổ chức các hội thảo, tọa đàm, hội nghị góp ý kiến dự thảo Báo cáo tổng kết với các địa phương trong vùng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến), đến nay cơ bản các nhiệm vụ đã hoàn thành và đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Kinh tế vĩ mô - Tư duy và tầm nhìn mới phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, địa phương là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; các đồng chí trong Tổ Thư ký, giúp việc Ban Chỉ đạo.

Ông Trần Tuấn Anh cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo; ghi nhận nỗ lực của các Bộ, ngành và các địa phương đã quan tâm, nghiêm túc triển khai và thực hiện đúng Kế hoạch tổng kết của Ban Chỉ đạo cũng như Thường trực Tổ Biên tập đã bám sát để triển khai Kế hoạch của Ban Chỉ đạo và chủ động, tích cực tổng hợp, xin ý kiến và hoàn thiện các sản phẩm của Đề án.

“Bộ Chính trị khóa IX đã xác định “đúng” và “trúng” những vấn đề đặt ra đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; thể hiện rõ tư duy và tầm nhìn trong các chủ trương của Đảng nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng. Nghị quyết 37 ban hành đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng; được tổ chức triển khai chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương từ việc thể chế hóa thành các chương trình, kế hoạch, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực đáng kể cho vùng.

Qua hơn 17 năm thực hiện Nghị quyết 37 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, ấn tượng. Có thể nói, Nghị quyết 37 đã đi vào cuộc sống và có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng trước bối cảnh tình hình và các yêu cầu phát triển mới, phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế và đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

 Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần phải có một chủ trương mới, toàn diện tập trung, xuyên suốt với tư duy và tầm nhìn mới và phù hợp với thực tiễn đặt ra với vùng và Đề án tổng kết Nghị quyết 37 đang được Ban Chỉ đạo triển khai là cơ sở quan trọng giúp Bộ Chính trị định hướng phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung cho dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao công tác chuẩn bị, nhất là dự thảo Báo cáo mà Thường trực Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị.

Các ý kiến cũng cho ý kiến về 6 quan điểm, mục tiêu, 06 nhóm chỉ tiêu và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà dự thảo Báo cáo đã đề ra. Nhiều nội dung được đề xuất từ góc nhìn của bộ, ngành, địa phương như đảm bảo về quốc phòng an ninh; tính liên kết vùng để phát huy nội lực của các tỉnh, các hành lang kinh tế; phát triển hạ tầng giao thông vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; phát triển kinh tế rừng...

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự tích cực làm việc, đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, đồng thời đề nghị tất cả các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phát huy tinh thần sáng tạo, vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện sự phân công của Ban Chỉ đạo nhằm hoàn thành các mốc tiến độ đề ra, xây dựng thành công Báo cáo tổng kết.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, các ý kiến tham gia, góp ý đều thẳng thắn, xuất phát từ thực tiễn công tác và kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý điều hành của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, là nguồn tư liệu quý, góp phần quan trọng giúp Ban Chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Nghị quyết mới để Báo cáo phản ánh khách quan, toàn diện hơn về những thành tựu đã đạt được sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37 và những chủ trương, định hướng lớn nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thời gian tới.

Trong đó, một số ý kiến cũng đã gợi mở thêm một số vấn đề mới, cần thiết bổ sung vào Báo cáo và hoặc trực tiếp điều chỉnh, bổ sung vào các nội dung cụ thể cho phù hợp.

Kinh tế vĩ mô - Tư duy và tầm nhìn mới phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (Hình 2).

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết phát biểu kết luận Hội nghị. 

Về nội dung các ý kiến, ông Trần Tuấn Anh nhận định, các ý kiến tại Hội nghị đã thống nhất cao về phương pháp tiếp cận, nghiên cứu, bố cục, kết cấu của Báo cáo. Dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37 do Thường trực Tổ biên tập chuẩn bị công phu, chất lượng, đảm bảo bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và Đề cương được Ban Chỉ đạo đã thông qua, phù hợp với thực tiễn phát triển của vùng; cập nhật được các chủ trương, nhiệm vụ của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ được đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng.

"Các nội dung Dự thảo Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Nghị quyết mới là đã tổng hợp, chọn lọc đầy đủ, toàn diện kết quả tổng kết từ Báo cáo của các Bộ ngành, các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; từ các chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu của các Viện, Trường đại học, Trung tâm nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học; từ các góp ý của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các Bộ ngành và các địa phương trong vùng. Dự thảo Báo cáo tổng kết đã phản ánh khách quan, toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ sau gần 17 năm triển khai Nghị quyết 37", ông Tuấn Anh đánh giá. 

Về phương hướng trong thời gian tới, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất với các kiến nghị, đề xuất được nêu trong Dự thảo Báo cáo đặc biệt là sự thống nhất cao của các bộ ngành, địa phương đề nghị Bộ Chính trị sớm ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đối với vùng với tư duy, quan điểm, tầm nhìn mới phù hợp với bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng để quy hoạch vùng định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương; kiến nghị thêm về một số cơ chế, chính sách có tính đặc thù cho vùng; kiến nghị sớm hoàn thiện thể chế, mô hình tổ chức, bộ máy, nguồn lực đủ mạnh để tăng cường liên kết phát triển vùng, để liên kết vùng trở thành động lực tăng trưởng cho vùng.

Ngoài ra, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục tiếp thu, cập nhật các ý kiến đóng góp tại Hội nghị hôm nay để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Nghị quyết mới để trình Bộ Chính trị đảm bảo đúng thời gian, tiến độ đã đề ra.

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.