Mấy ngày nay, khi “con rồng Hải Phòng” vừa tạm lắng, dư luận lại được dịp xôn xao về việc tổ tuần tra của Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc (Hà Giang) bắt giữ hai người vận chuyển... hai thớt gỗ lậu. Nhiều ý kiến cho rằng, không ai buôn lậu một, hai chiếc thớt làm gì và so với thời gian, công sức Kiểm lâm Hà Giang bỏ ra để bắt giữ, xử lý, hai cái thớt ấy quả không đáng.
Khi nhìn thấy những ý kiến trên, tôi tự hỏi liệu rằng có bao nhiêu người trong số họ đã đọc kĩ toàn bộ bài viết hay họ chỉ nhìn lướt cái tít đầy tò mò (nhằm câu view) mà đưa ra ý kiến. Họ chỉ xoáy vào số lượng tang vật (hai đơn vị) và kích thước tang vật (to tương đương cái thớt) để đưa ra bình luận mà lại quên mất tính chất nghiêm trọng sự việc. Tang vật tuy chỉ là hai cái thớt nhưng thớt làm bằng gỗ nghiến ở nhóm IIA - nhóm cấm khai thác, vận chuyển trái phép chứ không phải loại gỗ thường.
Sự việc này cũng giống như vụ án “ổ bánh mì” nổi tiếng dạo nọ. Hai thanh niên Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân đã phải lĩnh án tù do đã cướp ổ bánh mì, 2 bịch chuối sấy, 3 bịch me, 1 bịch đậu phộng rang muối định ăn chống đói. Nếu xét về giá trị, 45.000 đồng ấy có thể không lớn nhưng xét ở khía cạnh khác, đây rõ ràng là hành động cướp giật – là một hành vi vi phạm pháp luật.
Đối chiếu với vụ án hai cái thớt gỗ trên, dẫu giá trị số lượng gỗ hai người đàn ông kia vận chuyển trái phép là dưới 2 triệu đồng đi chăng nữa nhưng họ cũng đã làm việc trái pháp luật.
Có thể ngày hôm nay họ chỉ “buôn lậu” hai tấm gỗ nhưng ai dám đảm bảo rằng ngày mai, ngày kia, số lượng gỗ mà họ buôn lậu không tăng lên? Những cái nhỏ không ngăn chặn tốt thì những cái lớn sao quản lí được?
Lại có người nói “chỉ vì 45.000 đồng, chỉ vì hai cái thớt mà lãng phí biết bao tiền của xét xử, tốn biết bao công sức, thời gian để bắt giữ và xử lý”. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu rằng giá trị mà các cơ quan chức năng muốn “đánh đổi” lại từ công sức, tiền bạc, thời gian ấy là niềm tin về sự nghiêm túc và tính cương quyết răn đe của pháp luật chứ không đơn thuần là giá trị vật chất.
Bởi vậy, khi tiếp nhận một sự việc, mong độc giả hãy nhìn vào bản chất sâu xa mà đánh giá. Đừng vì những yếu tố bề mặt như “ổ bánh mì” hay “hai cái thớt” mà vội vàng đưa ra những quan điểm sai lệch.
Lê Chinh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả