Ngày 2/9/1945, trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử ở Thủ đô Hà Nội, trước cuộc mít tinh của đông đảo nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc - độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, người dân Việt Nam trở thành công dân một nước dân chủ, tự do, độc lập, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình.
Chặng đường 76 năm qua, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo luôn kiên định con đường phát triển đã lựa chọn, đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, đói nghèo đã trở thành quốc gia đang phát triển với vị thế quốc tế ngày càng cao, một hình mẫu đất nước không ngừng đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm được thế giới ca ngợi, tin tưởng, ủng hộ, để đến hôm nay chúng ta có quyền tự hào nói rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tiếp theo, sau thành công của Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta lại tiếp tục vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để viết tiếp thêm những trang sử hào hùng của dân tộc. Đó là thắng lợi trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và cuối cùng bằng “Năm sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt. Máu trộn bùn non” để làm nên một Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu; là thắng lợi của một cuộc trường chinh 20 năm đánh bại nhiều chiến lược chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ kết thúc bằng đại thắng Mùa Xuân thống nhất Tổ quốc năm 1975; là thắng lợi trong 2 cuộc chiến tranh biên giới giữ vững chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và tiến hành công cuộc hồi sinh đất nước.
Đặc biệt là những kết quả to lớn toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của công cuộc đổi mới đất nước trong 36 năm qua (1986 - 2021). Đây là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp phát triển của cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để mọi mặt của đất nước trên tất cả các lĩnh vực; là sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện bắt đầu bằng “đổi mới tư duy”: Nhìn thẳng vào sự thật; tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan; dựa vào dân, coi trọng sáng kiến của nhân dân; coi trọng tổng kết thực tiễn; phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trên cơ sở kiên định con đường độc lập dân tộc và CNXH… Trên cơ sở đổi mới tư duy đó, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”.
Từ việc tiếp cận đúng đắn trong nhận thức tư duy, Đảng, Nhà nước ta đã chèo lái “con thuyền” Việt Nam từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu từng bước phát triển trở thành quốc gia có cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ sau 10 năm đổi mới (1996), đất nước đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; sau 25 năm đổi mới (2010), đất nước đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Giai đoạn năm 2011 -2020, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nợ công trong nước, thiên tai, đại dịch…, song tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao của thế giới. Thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam theo cách tính mới đến năm 2020 đạt khoảng gần 3.512 USD/năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2020 đạt trên 540 tỉ USD.
Bên cạnh đó, việc tăng trưởng kinh tế cơ bản đã gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Chính sách giải quyết việc làm từ chỗ Nhà nước bao cấp đã chuyển sang cơ chế có sự tham gia mạnh mẽ của các thành phần kinh tế và người lao động. Tư duy từ chỗ không chấp nhận có sự phân hóa giàu nghèo chuyển sang khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi liền với xóa đói giảm nghèo. Các chính sách xã hội vì hạnh phúc con người luôn được quan tâm và ngày càng đi vào thực chất khẳng định tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa và cũng là khắc phục mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trong cả nước. Hệ thống dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Đó là tầm nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam. Văn hóa được nhận thức là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, thể hiện trình độ phát triển chung của đất nước; văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển; văn hóa không chỉ là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội mà là sự phát triển bền vững của quốc gia.
Phát triển văn hóa chính là phát triển con người. Con người chính là trung tâm của chiến lược phát triển, là chủ thể của phát triển, là mục tiêu quyết định của phát triển và là động lực quan trọng nhất của phát triển. Thực tiễn cho thấy, đến năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Chính phủ chỉ còn khoảng 3%, hơn 60 % số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2010. Hiện nay Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết. Tuổi thọ trung bình của cư dân tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2020…
Đó là những thành công trong chiến lược quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và đảm bảo trật tự an ninh xã hội trên mọi vùng, miền địa phương của cả nước. Trong điều kiện mới và bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách tiếp cận về tính chất, đặc điểm của hai nhiệm vụ xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh quốc gia. Đặc biệt quan điểm về đối tác, đối tượng là một nhận thức mới được xem xét một cách biện chứng phù hợp với tình hình và những mối quan hệ chính trị, lợi ích phức tạp của thế giới hiện nay.
Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Một thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân và tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh luôn được chú trọng xây dựng và củng cố, qua đó chúng ta đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước.
Đó là những thành công với những kết quả to lớn của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, thể hiện qua việc: Phá thế bao vây, cấm vận từ bên ngoài, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; thúc đẩy các mối quan hệ song phương, đa phương ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và phát triển; mở ra một không gian sâu rộng thuận lợi cho kinh tế Việt Nam hội nhập, phát triển tạo điều kiện để Việt Nam học hỏi, tiếp thu nhanh nhất những tiến bộ, văn minh của thế giới về khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tinh hoa văn hóa của các nước; quảng bá hình ảnh tiềm năng lợi thế so sánh của Việt Nam ra bên ngoài; nhận được nhiều sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế; quan hệ của Việt Nam với các nước lớn không ngừng được tăng cường, mang lại cho đất nước cả nguồn lực để phát triển cũng như vị thế ngày càng vững chắc; mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được đẩy mạnh; nâng tầm vị thế của Việt Nam từ chỗ “tham gia tích cực” vươn lên “chủ động đóng góp xây dựng định hình luật chơi chung” với vai trò “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Không phải tự nhiên mà Hoa Kỳ và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đồng thuận lựa chọn Hà Nội – Thành phố vì hòa bình làm địa điểm gặp gỡ thượng đỉnh (đầu năm 2019). Cũng không phải ngẫu nhiên khi 192/193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu bầu Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021. Cũng không phải ngẫu nhiên Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chọn viếng thăm Việt Nam là một trong hai quốc gia Đông Nam Á tại chuyến công du của bà vào tháng 8/2021…
Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân càng nhận thức sâu sắc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại của các sự kiện này, thì càng tự hào về những thành tựu to lớn của đất nước đã đạt được, tự hào về một dân tộc Việt Nam anh hùng.
Có thể nói, tất cả những thành công nói trên đều ghi đậm dấu ấn của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với sự kiên định, nhất quán con đường phát triển độc lập dân tộc và CNXH. Vẫn biết rằng trong chặng đường lịch sử thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta cũng không tránh khỏi những yếu kém, sai lầm, khuyết điểm và giờ đây sự nghiệp xây dựng CNXH đang phải đối mặt với không ít những nguy cơ, thách thức. Tuy nhiên với một tư duy dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nghĩ, dám làm, dám nhận khuyết điểm, Đảng, Nhà nước ta đã, đang và sẽ đưa ra được những giải pháp, biện pháp đúng đắn, kịp thời để sửa chữa và sửa chữa có kết quả những hạn chế, khuyết điểm đã được nhận diện, biến nguy cơ, thách thức thành những thời cơ, mà trên tất cả bằng việc củng cố sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Nhiệm vụ then chốt và có ý nghĩa quyết định là xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Đảng cần làm tốt bổn phận “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, xây dựng được hình ảnh người cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm khiết “vừa hồng vừa chuyên”; có đường lối chiến lược đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, thay đổi của thế giới và thực tiễn của đất nước; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; xây dựng được một Chính phủ đổi mới, liêm chính, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ…
Với một dân tộc có truyền thống văn hiến, đoàn kết, kiên cường, cần cù, thông minh, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm lãnh đạo, “con tàu” Việt Nam sẽ tiếp tục vững vàng vượt qua mọi sóng gió, mà trước hết sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tái bùng phát đang diễn ra rất phức tạp từ cuối tháng 4/2021 để sớm đưa cả nước trở về trạng thái cuộc sống bình thường mới, tiếp tục tiến về phía trước.
Chúng ta tin tưởng một bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam đang tiếp tục tỏa sáng trong tiến trình thực hiện khát vọng xây dựng một quốc gia thịnh vượng, hùng cường, vững bước tiến lên CNXH. Như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” đã khẳng định “Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”.
TS. Phạm Thanh Hà Trưởng khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực I