Từ hiện tượng "Bắc Bling" và "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối"

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 2, 07/04/2025 07:00

Trong xã hội đang nổi lên 2 hiện tượng nghệ thuật, được nhiều người quan tâm.

Một là cái MV Bắc Bling của Hòa Minzy gây sóng, tới mức thủ tướng Phạm Minh Chính khi gặp cô này cũng phải hỏi là tại sao lại là Bắc Bling, có phải là do nói nghịu không? Và được trăm triệu view chưa? chứng tỏ là ông đã xem và theo dõi MV rất kỹ? Nhưng chưa kinh bằng cơn sốt Bắc Bling này không chỉ lan tỏa ở khắp đất Bắc Ninh, hầu như trường học nào trong tỉnh, có cả mẫu giáo, đều tập và biểu diễn, rất hay và đẹp, rồi quay clip, rồi post lên mạng, mà còn sang cả các tỉnh bạn. Hôm qua tôi xem cái clip các bạn... Quảng Bình làm, thay Bắc Ninh bằng Quảng Bình, Bắc Bling bằng Quảng Blinh rồi điền tên địa danh quê mình vào, sông Gianh, Phong Nha, Võ đại tướng, cả đặc sản nữa, khoai deo bánh canh vào được hết. Diễn viên chính là nam, cưỡi trâu áo tơi và... hát. Và chưa, có cái clip anh kia ru con nhạc Bắc Bling, lời... cạnh khóe vợ, cũng rất vui.

Từ hiện tượng "Bắc Bling" và "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối"- Ảnh 1.

Được biết, ngay khi MV phát hành, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã khen thưởng Hòa Minzy và ê-kíp.

Hai là phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mấy hôm nay cũng đang sốt trên báo chí và mạng xã hội. Tôi chưa được xem phim nên chưa dám có ý kiến gì về bộ phim, nhưng chú ý một chi tiết, ấy là bộ phim chiến tranh tốn rất nhiều tiền này là phim xã hội hóa.

Từ lâu tôi biết, làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng đa phần phải là nhà nước đầu tư bởi nó rất tốn kém và phải hết sức công phu để phim có thể thành công. Và cũng biết, nước ta có 2 vùng địa đạo nổi tiếng, một là Củ Chi và 2 là Vĩnh Linh.

Từ hiện tượng "Bắc Bling" và "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối"- Ảnh 2.

Cảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối".

Củ Chi, nơi tôi sau hưu đã phục vụ ở đấy mấy năm, làm cho một khu du lịch, với tư cách giám đốc văn hóa và truyền thông, trước đã biết rồi, giờ làm ở đấy biết thêm nhiều chuyện về vùng chiến khu này, cái khu mà cách Sài Gòn có mấy chục cây số mà bao nhiêu năm, Mỹ quân hùng tướng mạnh vũ khí hiện đại thế vẫn chỉ... từ xa mà ngó, và người Củ Chi vẫn sinh sống đẻ con sinh cháu và... đánh nhau. Và nếu làm được một bộ phim về nơi này, về những gì xảy ra ở đây thời chiến tranh thì quả là một việc hết sức bổ ích và thiết thực.

Và tôi đã ngạc nhiên, rằng là, phim về chiến tranh, mà chiến tranh ra chiến tranh nhé, lại do tư nhân đầu tư. Những bộ phim dòng "chiến tranh cách mạng" lâu nay thường là nhà nước đầu tư, mà chả phim, tất cả những gì liên quan tới chiến tranh cách mạng, dẫu văn chương nghệ thuật hay báo chí, cũng đều được nhà nước đầu tư, khá/ rất nhiều. Và đa phần là, nói lại bị giận, chứ những tác phẩm như thế ít thọ, chính xác là khá đoản thọ. Tất nhiên cũng có ngoại lệ, một số tác phẩm trường thọ chứ không thì nhà nước lại chả đầu tư dai dẳng đến thế. Nhưng số này hơi ít.

Ở cái hội nghị góp ý cho "Dự thảo nghị định khuyến khích phát triển văn học" do bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa tổ chức, có nhiều ý kiến đóng góp, tôi chú ý tới ý kiến của PGS TS Phạm Xuân Thạch (Đại học quốc gia Hà Nội), khi ông nói: "nghị định đang quy định Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các tác phẩm văn học tuyên truyền, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị". Theo ông, nghị định nên mở rộng để khuyến khích, tài trợ cho cả những khuynh hướng tiến bộ, tích cực trong đời sống.

Như trên tôi đã nói, vì trong nghề nên tôi biết, lâu nay hàng năm nhà nước đều để dành một số tiền không nhỏ để đặt hàng, đầu tư cho những tác phẩm, công trình dài hơi, đề tài chiến tranh cách mạng, những đề tài lớn, tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Rồi tổ chức các cuộc thi sáng tác VHNT về địa phương mình, ngành mình. Và, đành phải nói thật, không phải tác phẩm nào cũng thành công, công trình nào cũng có giá trị. Có những bộ phim được đầu tư rất nhiều tiền, rồi chiếu vài buổi nội bộ, rồi cất. Nhiều vở diễn sân khấu cũng thế, đầu tư cực khủng, phục vụ "nhiệm vụ chính trị" mươi buổi, rồi đi thi, lĩnh một loạt huy chương các loại, chủ yếu để diễn viên có đủ tiêu chuẩn phong nghệ sĩ nhân dân, ưu tú, và để... báo cáo nơi đã cấp tiền dựng vở, như một cách nghiệm thu, rồi cất. Tác phẩm văn học cũng thế, cũng in ra, rồi cho vào thư viện, có ai đọc không thì có vẻ như không quan tâm lắm. Nhiều ca khúc "nổi tiếng" vì các nhạc sĩ nổi tiếng phổ thơ các đồng chí lãnh đạo tỉnh nào đấy, ra mắt dềnh dàng, làm đĩa dềnh dàng, rồi cũng... cất...

Thế nên, qua việc 2 tác phẩm đang hot vừa nhắc trên, nên chăng, để cho công bằng, nếu nhà nước thấy phim hay, phim đúng ý tưởng của mình, thì nên mua lại một phần hay toàn bộ rồi chiếu không cho dân xem. Thế lại chả hay hơn đầu tư tiền tỉ xong chiếu 1, 2 buổi "phục vụ nội bộ" rồi... cất. Cũng như thế, cái MV của cô ca sĩ Hòa Minzy kia, lại chả tham gia vào đời sống xã hội rất tích cực đấy ư, thì ngoài khen thưởng cấp tỉnh, rất nhanh như đã làm rồi, nên chăng có cách gì đấy, san sẻ một phần chi phí, với những gì ê-kíp đã bỏ ra để làm.

Và từ đấy tiến lên, từ đây chúng ta sẽ có những tác phẩm phục vụ chính trị, những đề tài khó như lịch sử, như lãnh tụ, như chiến tranh cách mạng, những đề tài lâu nay nhà nước "độc quyền" đầu tư, sẽ do tư nhân, do xã hội đầu tư, nhà nước sẽ "nghiệm thu" sau khi nó ra đời.

Và nhân đây, nên chăng, cũng thử kiểm kê lại, số tiền chúng ta đã đầu tư cho những tác phẩm lớn với hiệu quả của nó xem có "tương đồng" không?

Tất nhiên, tôi biết, sản phẩm văn học nghệ thuật là vô giá, là không thể đong đếm. Nhưng qua cái MV Bắc Bling thì tôi cũng biết, thủ tướng cũng quan tâm tới view tác phẩm nghệ thuật. Và cả phim nữa, người ta cũng đếm được từng người vào rạp qua số vé bán ra...

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.