> Phút cuối của tử tội giết người, cướp của khét tiếng
Ngày 1/11/2009, đại tướng Lê Hồng Anh, bộ trưởng Bộ Công an lúc đó thay mặt Chính phủ trình bày dự thảo Luật Thi hành án hình sự. Một vấn đề được nhiều người quan tâm là trong thời gian tới ở nước ta, việc thi hành án án hình sự đối với các bị cáo bị kết án tử hình thực hiện theo hình thức nào.
Loạt bài về thi hành án tử hình sau đây của thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an nói về án tử hình dưới nhiều góc độ.
Chữ “tử hình” bắt nguồn từ gốc Hán Việt, có nghĩa là hình phạt chết. Tử hình là việc hành quyết một người theo một quy trình luật pháp như một sự trừng phạt cho một hành động tội phạm. Nó được xem là giải pháp ngăn cản tội ác hữu hiệu nhất.
Một nữ tử tù Trung Quốc bị hành quyết trên pháp trường. Ảnh: China Smack
Tử hình hầu như đã được thực hiện ở mọi xã hội, và có thể được coi là một vấn đề toàn cầu hay gần như vậy, ngoại trừ những xã hội có tôn giáo quốc gia cấm hình phạt đó.
Đi ngược lại lịch sử loài người, chúng ta thấy hình phạt tử hình xuất hiện rất sớm ở các quốc gia cổ đại phương Đông.
Thời kỳ này, ở Phương Đông đã xuất hiện hình thức nhà nước chiếm hữu nô lệ sơ khai đầu tiên. Do được hình thành trên cơ sở điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng nhưng vô cùng khắc nghiệt và được xây dựng trên nền tảng chế độ thủ lĩnh độc đoán, gia trưởng với tín ngưỡng truyền thống và tôn giáo đa thần, coi người đứng đầu nhà nước là thánh nhân - con của các vị thần - có quyền uy và phép lạ, nhà nước và pháp luật ở các nước Phương Đông thời kỳ này thể hiện bản chất độc tài, chuyên chế, các quy phạm hình luật khắc nghiệt và cứng nhắc. Điều đó thể hiện ra qua hai bộ luật của Phương Đông thời kỳ này là Bộ luật Hammurapi và Bộ luật Manu.
Bộ luật Hammurapi là bộ luật cổ nhất của người Babilon, được tạc vào thời vua Hammurapi (1792-1750 trước Công nguyên) trên một phiến đá bazan cao 2.25 m và đường kính đáy gần 2 m. Bộ luật có 282 điều, trong đó có nhắc tới 30 trường hợp bị xử tử hình đối với phạm nhân. Các điều luật về hình sự thể hiện rõ tính bảo thủ với quan niệm mức hình phạt phải luận tương xứng với mức độ tội ác.
Điều 229 Bộ luật quy định: “Nếu người thợ xây, xây nhà cho một người khác mà người thợ xây không chắc chắn để nhà đổ và chủ nhà bị chết, người thợ xây đó bị giết”. Hay Điều 1 và Điều 3 quy định: “kẻ nào buộc tội vô cớ về tội giết người cho người khác thì chính kẻ đó bị giết”; “nếu ai chứa chấp hay giúp đỡ nô lệ chạy trốn thì cũng bị tội chết”.
Hình thức thi hành hình phạt tử hình thời kỳ này rất khắc nghiệt như đốt, dìm dưới nước hoặc đóng cọc...
Vào khoảng thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ I trước Công nguyên, ở Ấn Độ cổ đại, các giáo sĩ Bàlamôn đã soạn ra các luật Manu. Về hình luật, trong các luật Manu thể hiện rõ tính giai cấp và sự khắc nghiệt. Các đẳng cấp dưới như Vaisia và Sudra không được hưởng sự khoan dung, mọi vi phạm do họ gây ra đều phải chịu hình phạt rất nặng như bị cắt lưỡi, bị đổ dầu đun sôi vào miệng. Trong khi đó, đẳng cấp Bàlamôn và Kxatơria nếu vi phạm như kẻ dưới thì chỉ bị phạt tiền. Luật Manu trừng phạt rất nặng hành vi xâm phạm sở hữu: trộm cắp đến lần thứ 3 thì bị tử hình, nếu trộm cắp vào ban đêm thì bị đóng cọc, trộm cắp tài sản của nhà vua hay nhà chùa thì bị giết ngay lập tức. Tội cướp, hiếp dâm, giết người được coi như tội phạm đặc biệt và bị trừng phạt nặng.
Kẻ nào vô ý làm chết người thì bị xử tử bằng cách thông thường. Hình luật thời kỳ này mang nặng tính trấn áp, bảo thủ, khắc nghiệt.
Ở các quốc gia cổ đại phương Tây, Bộ luật nổi tiếng và điển hình cho pháp luật phương Tây thời cổ đại là luật La Mã. Trong Luật các chế định liên quan đến hình sự chủ yếu bảo vệ quyền sở hữu của giai cấp quý tộc: nếu đánh gãy tay người khác thì thủ phạm cũng bị đánh gãy tay... Kẻ nào xâm phạm tài sản của người khác như đốt nhà, trộm cắp, phá hoại hoa màu thì sẽ bị xử tử. Nếu kẻ nào đương đêm ăn trộm mà bị giết ngay tại chỗ thì hành vi giết người ấy được coi là hợp pháp. Điều kiện để đảm bảo hợp đồng vay nợ là thịt, da và máu của con nợ. Nếu con nợ không trả nợ đúng hạn thì Tòa án cho phép chủ nợ có quyền tạm giữ con nợ. Nếu quá 60 ngày mà không trả được nợ thì chủ nợ có thể xẻo thịt thân thể con nợ, chủ nợ không phải chịu trách nhiệm về việc con nợ bị xẻo thịt nhiều hay ít. Sau đó nếu con nợ vẫn không trả được nợ thì bị kết án tử hình.
Hình phạt tử hình thời kỳ này vẫn mang tính chất cực hình và ô nhục, tùy thuộc vào giai cấp mà hình phạt được áp dụng theo các cách thức khác nhau: nếu quý tộc và binh lính thì bị chém bằng gươm, dân tự do bị chết thiêu hoặc cho ngựa xé, còn nô lệ thì bị giết chết dần rất khủng khiếp như đóng cọc xuyên qua người, dìm chết.
Ở Phương Đông, pháp luật của các triều đại phong kiến Trung Quốc phát triển mạnh và có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến các quốc gia trong khu vực, đó là sự xuất hiện các học thuyết pháp lý như thuyết nhân trị của Khổng Tử, thuyết pháp trị của Quản Trọng, Tử Sản và Hàn Phi Tử. Các triều đại phong kiến Trung Quốc đều quy định hệ thống hình phạt “ngũ hình” bao gồm các hình phạt: xuy, trượng, đồ, lưu, tử. Trong đó hình phạt tử hình có ba bậc: chém hay thắt cổ; chém bêu đầu và lăng trì. Hình phạt chém bêu đầu có nguồn gốc tại Trung Quốc và có lịch sử trên 3.000 năm. Hình phạt lăng trì (tùng xẻo) được thi hành bằng cách xẻo từng miếng thịt phạm nhân theo nhịp trống rồi mổ bụng, moi ruột cho đến chết. Sau đó, thi thể tử tội bị chặt chân tay và bẻ gãy hết xương.
Ngoài ra, nhà nước phong kiến Trung Quốc còn áp dụng các hình phạt như tru di tam tộc, tru di cửu tộc.
Ở Phương Tây, thời kỳ này, luật hình sự vẫn cho phép duy trì tục “trả nợ máu”. Theo Bộ luật Xalic, khi phạm tội giết người, nếu người phạm tội là kẻ nghèo hèn đến mức không đủ tiền nộp phạt và không có họ hàng thì “phải lấy đầu mình ra để thay thế”. Còn theo Bộ luật Xắc-xông thì đối tượng của việc trả nợ máu là “kẻ giết người và các con trai của người ấy”. Pháp luật hình sự còn quy định việc bảo vệ nghiêm ngặt chế độ phong kiến. Pháp luật cũng bảo vệ nghiêm ngặt sự thống trị về mặt tư tưởng của Giáo hội hay luật lệ tôn giáo: coi hành vi chống lại nhà thờ, luật lệ tôn giáo, trộm cắp tài sản của nhà thờ là trọng tội, như trường hợp Galileo Galilei đã bị Tòa án giáo hội kết án tử hình bằng cách hỏa thiêu do có quan điểm khoa học chống lại nhà thờ.
Thường thì Tòa án áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm trọng tội bằng cách gây đau đớn kéo dài, mà hình phạt này thì lại không được quy định trong luật.
Năm 1789, sau cuộc cách mạng tư sản Pháp, luật hình sự Pháp quy định án tử hình đối với rất nhiều tội danh (36 trường hợp), trong đó có cả án chính trị, bảo lưu các hình phạt làm nhục dưới dạng đóng dấu, bêu cột, chặt tay...
Ở Anh, năm 1819, Hạ nghị viện Anh đã xác định hình phạt tử hình được quy định đối với 220 loại tội phạm. Hình phạt tử hình không chỉ quy định đối với tội giết người, cướp của mà cả đối với các tội xâm phạm súc vật, đe dọa bằng văn bản, chặt gỗ rừng, thậm chí là ăn cắp vặt vài xu... Việc thi hành án tử hình được thực hiện hết sức man rợ, như cho xe cán, chặt tứ chi và đầu, mổ bụng moi lục phủ ngũ tạng...
Cùng với sự tiến bộ xã hội, thế giới đã có những cố gắng đầu tiên trong việc áp dụng hình phạt nhằm cải tạo tù nhân: buộc tù nhân phải cải tạo lao động với một chế độ nhà tù nghiêm khắc có thể đem lại thu nhập, thay vì áp dụng hình phạt tử hình. Sau đó, nhiều nước đã thay thế việc giam giữ bằng việc đày phạm nhân đến các nước thuộc địa nhằm giảm bớt gánh nặng cho các nhà tù và giải quyết một phần nhu cầu về sức lao động nặng nhọc ở các nước thuộc địa, giảm bớt án tử hình... (Còn tiếp).
> Đường đến pháp trường của Hoa khôi Sài Thành
GS.TS Nguyễn Xuân Yêm
Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân - Bộ Công an