Phiên chất vấn của kỳ họp thứ 3 đã thành công tốt đẹp. Những chất vấn thẳng thắn, không né tránh, những trả lời đi thẳng vào vấn đề, sự cầu thị, nhận trách nhiệm của các "tư lệnh" ngành đã được các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao.
Sau mỗi phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội, không chỉ đại biểu mà cử tri và nhân dân cả nước đều quan tâm đến việc thực hiện các cam kết, những lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành. PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về vấn đề này.
PV: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, các Bộ trưởng đều đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội về những vấn đề yếu kém trong quản lý của ngành. Nhưng cử tri và nhân dân cả nước không chỉ mong muốn Bộ trưởng nhận trách nhiệm, thưa ông?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Mấy năm gần đây, những người có chức vụ, quyền hạn khi đứng trước một sự cố hay một sai sót nào đấy thường xin lỗi. Xin lỗi là một hành vi văn hóa ứng xử chứ không phải hành vi công vụ. Xin lỗi phải được chấp nhận thì quan hệ về mặt đạo đức, tức hành vi xin lỗi mới hoàn thành.
Một xu hướng khác cũng đang phổ biến là, đứng trước một vụ việc liên quan đến trách nhiệm cá nhân hay của ngành, của Bộ, người đứng đầu thường nói “tôi xin chịu trách nhiệm”. Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm nào? Vấn đề đặt ra là luật pháp chưa quy định ràng buộc một cách mạch lạc trong những tình huống nào chịu trách nhiệm ở mức nào. Nhiều người không nhận thức ra, cứ nghĩ rằng xin chịu trách nhiệm chung chung là xong.
Lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm chỉ được coi như động tác mang tính đạo đức, văn hóa, chưa làm rõ sự liên quan của cá nhân đó đối với những vấn đề sai sót, sai phạm thuộc phạm vi quản lý của mình.
PV: Là đại biểu hoạt động nghị trường nhiều năm và cũng có những chất vấn thẳng thắn trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành tại nhiều kỳ họp, ông đánh giá thế nào về việc thực hiện lời hứa của các “tư lệnh” ngành sau chất vấn?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Hiện, các quy định của pháp luật chưa rõ ràng vấn đề thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng. Theo thông lệ, sau mỗi kỳ họp Quốc hội, với những người trong danh sách trả lời chất vấn, Quốc hội ra nghị quyết nhắc lại, lưu ý thêm những vấn đề Quốc hội quan tâm, sau đó yêu cầu Bộ trưởng thực hiện, báo cáo Quốc hội ở kỳ họp sau. Tuy nhiên, cũng chưa đề cập đến lời hứa.
Đúng ra, mong mỏi của nhân dân, đại biểu Quốc hội là các vị trả lời chất vấn phải đưa ra cam kết. Thường thường ở các nước, khi một người được bầu vào chức vụ nào đó, họ thường đưa ra chương trình hành động. Đấy chính là cam kết của họ. Khi không thực hiện được lời hứa, những người có lòng tự trọng sẽ tự tìm cách rút lui khỏi chính trường.
Gần đây, Chính phủ đang soạn Nghị định gọi là quy chế về văn hóa từ chức. Tôi chưa tiếp cận nội dung như thế nào, nhưng bằng một quy định hành chính để quy định hành vi văn hóa là điều cần phải xem xét. Khi đã có một văn bản pháp luật quy định hành vi có tính công vụ, đấy chính là quy định có tính pháp quy. Có nghĩa là phải có hình thức, chế tài cụ thể chứ không phải là một lời khuyên.
PV: Có ý kiến cho rằng, nhận trách nhiệm cần gắn liền với hành động, không phải nhận cho qua vụ việc nóng rồi thôi. Cá nhân ông suy nghĩ thế nào?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Như tôi đã nói, hiện nay có trào lưu xin lỗi, nhận trách nhiệm nhưng chưa rõ ràng. Nhận trách nhiệm mà không ràng buộc một điều kiện nào đó thì việc xin lỗi hay xin chịu trách nhiệm chỉ là một cách nói để xoa dịu tình hình, không có liên quan ràng buộc đến trách nhiệm quản lý điều hành. Vấn đề đặt ra là làm rõ trách nhiệm ở mức độ nào, chế tài với trách nhiệm này ở mỗi cá nhân ra sao.
Trách nhiệm chính trị (tính chịu trách nhiệm trước một chủ trương lớn, quyết sách lớn, có uy tín của tổ chức, cơ quan…) sẽ khác trách nhiệm pháp lý. Với trách nhiệm pháp lý, các văn bản pháp luật đã quy định rõ. Nhưng cần xem xét nhìn nhận những quy định ấy đã đủ sức ràng buộc, răn đe, hay củng cố được tính chất liên quan của người đứng đầu các cơ quan tổ chức chưa?
Tôi nghĩ cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hành vi xin lỗi hay chịu trách nhiệm một cách rõ ràng. Có như vậy mới đủ căn cứ để đánh giá, xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của những người đứng đầu.
Hiện nay, vì không có quy định chặt chẽ nên người ta thấy dễ dàng xin lỗi, xin chịu trách nhiệm để đến khi tình huống qua đi rồi không bị ràng buộc gì. Vấn đề nữa là, cơ quan giám sát có làm nghiêm hay không, có quy kết rõ ràng trách nhiệm hay không. Đừng để nhận trách nhiệm thành trào lưu. Cơ quan giám sát không trói buộc, không quy kết trách nhiệm ấy chiếu theo điều khoản nào thì việc xin chịu trách nhiệm dễ dàng bỏ qua được.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Dương Thu (thực hiện)