Tư liệu về cái chết bí ẩn của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh

Tư liệu về cái chết bí ẩn của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Theo nhà sử học Phan Huy Lê: "Sự thật liên quan đến cái chết bất thường của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh là chống đối lại Pháp, phê phán Triều đình?".

Trong một buổi tọa đàm về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh(17/2/2012), ông Nguyễn Lân Bình (cháu nội ông Vĩnh) nói: "Thà đi tìm sự thật suốt một đêm, còn hơn phải nghi ngờ nó suốt một đời". Câu trích dẫn ấy đã gây sự chú ý đặc biệt với đông đảo người nghe. Trên cơ sở các tư liệu khảo cứu có được và một số tài liệu do gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh cung cấp, chúng tôi hiểu được về những tháng ngày Nhà báo này lặn lội đi tìm tiếng nói cho người dân. Đặc biệt là bức thư cuối cùng của bà Suzanne Vĩnh gửi cho chồng, nội dung bức thư ẩn chứa nhiều tình tiết liên quan tới cái chết bất thường của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, ngày 2/5/1936 tại Sê Pôn miền Nam nước Lào...

Thế giới - Tư liệu về cái chết bí ẩn của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh

Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh

Nổi tiếng thông minh

Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (SN 1882, tại phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Phú Xuyên Hà Nội). Ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Từ nhỏ ông Vĩnh đã phải làm nghề kéo quạt thuê ở trường Thông Ngôn (College des Interprètes) đóng tại đền Yên Phụ, nay nằm trong khuôn viên trường THCS Mạc Đĩnh Chi - Hà Nội. Vừa kéo quạt, vừa học lỏm qua bài giảng, Nguyễn Văn Vĩnh đã học giỏi, thậm chí học trội hơn cả học sinh là những con nhà gia thế lúc bấy giờ.

Được biết, trong một lần các con nhà giàu ở lớp còn đang lúng túng, không kịp trả lời thầy, Vĩnh đã nhanh nhảu trả lời đúng các câu hỏi. Ông giáo người Pháp quá ấn tượng với cậu bé nhà nghèo nên xin cho Nguyễn Văn Vĩnh được học chính thức ở trường. Sau thời gian học tập, ông Vĩnh đã đỗ đầu khóa thông ngôn 1893 - 1896 (ở tuổi 14). Một năm sau, ông được đặc cách nhận làm phiên dịch trên Tòa xứ Lào Cai.

Nổi danh là người sáng dạ nên Nguyễn Văn Vĩnh đã lọt vào tầm ngắm của nhiều quan người Pháp. ông đã từng được bổ nhiệm làm trợ lý cho công sứ Pháp thuộc tỉnh Bắc Giang. Tiếp theo là làm thư ký ở Tòa Đốc lý Hà Nội. Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh được người Pháp cử đi tham gia triển lãm thuộc địa ở Mác-xây. Tại đây, ông có cơ hội được tiếp cận với công nghệ in ấn và xuất bản báo chí. Sau hội chợ, Nguyễn Văn Vĩnh lưu lại Pháp một thời gian để thăm các nhà in báo, nhà xuất bản từ điển nổi tiếng Larousse (Bách khoa toàn thư).

Tại Paris, ông được chứng kiến sự phát triển tiến bộ của đời sống cũng như của nền văn hóa, văn minh nước Pháp. Nhờ nhận thức đó, ông quyết định tham gia Hội Nhân quyền Pháp. Những ngày tháng sống tại đất nước này, Nguyễn Văn Vĩnh đã cảm nhận được sự phát triển kỳ diệu của Phương Tây.

Ông nhận thức được, muốn đất nước phát triển, phải nâng cao dân trí cho người dân. Ngay sau ngày về Việt Nam, điều ông làm đầu tiên là thay đổi bản thân mình, mặc véc, đi giầy da, xin thôi làm công chức. Nguyễn Văn Vĩnh vận động người dân cắt tóc ngắn, bỏ khăn xếp áo the. ông trở thành nhà báo tự do theo đúng nghĩa khi mới 24 tuổi.

Ngoài việc viết báo bằng chữ Quốc ngữ, ông còn chủ trương giáo dục nhân cách, con người, đặc biệt về vấn đề bình đẳng cho phụ nữ. Đây là đề tài được ông đề cập suốt cuộc đời làm báo. Đến những năm 30 của thế kỷ 20, người ta còn thấy loạt bài trên tờ "Nước Nam" xuất bản bằng tiếng Pháp đăng lại chủ đề này (lúc này ông đã bị cấm viết báo nhưng viết bằng tiếng Pháp sẽ không bị kiểm duyệt). Nội dung nói về trinh tiết, hôn nhân, ca ngợi người vợ đảm đang trong gia đình được ông kết luận: "Hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt, có tiền cũng không thể mua được".

Ở một nước nô lệ, nghèo đói, lạc hậu mà Nguyễn Văn Vĩnh đã có tầm nhìn về xã hội như vậy khiến chính người Pháp cũng phải kính nể, ca ngợi ông. Đặc biệt trong sự nghiệp làm báo, tờ L'Annam Nouveau đã được giải thưởng báo chí Grand Prix tại Paris năm 1932. Làm kinh tế, nhưng Nguyễn Văn Vĩnh luôn song hành hoạt động chính trị đối với vận mệnh của dân tộc.

Người duy nhất ký đơn đòi thả Phan Chu Trinh

Lúc đó, ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc nổi lên phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do Phan Chu Trinh khởi xướng và tổ chức. Cả Nguyễn Văn Vĩnh và Phan Chu Trinh đều ý thức rằng: Đông Kinh Nghĩa Thục là nâng cao dân trí cho người dân Việt Nam. Ban đầu, chính quyền Pháp cho phép Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động hợp pháp nhưng chỉ sau vài tháng, họ nhận thấy đây là một hiểm họa đối với chế độ thuộc địa.

Thế giới - Tư liệu về cái chết bí ẩn của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (Hình 2).

Nguyễn Văn Vĩnh tại Hội chợ thuộc địa Mác-xây 1906 (Người đội mũ trắng, mặc vét) đứng thứ tư từ bên trái sang.

Tháng 11/1907, Đông Kinh Nghĩa Thục bị chính quyền Thực dân bắt đóng cửa, buộc phải giải tán, các chí sỹ bị bỏ tù hoặc bị án tử hình. Phan Chu Trinh bị bắt ở Hà Nội, sau đó giải về Huế. Tòa Khâm sứ và Triều đình Huế khép ông vào tội chết.

Trước những căng thẳng diễn ra trong biến cố Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Văn Vĩnh sẵn sàng đối mặt với bộ máy cai trị. Ông thẳng thắn lên án chính quyền thuộc địa: "Tôi xin phép được nói là biện pháp vừa thi hành của nhà cầm quyền là vô chính trị (Trích thư Nguyễn Văn Vĩnh gửi Hauser, Đốc lý Hà Nội, ngày11/12/1907)". Trong bối cảnh đó, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất ký đơn gửi Toàn quyền Đông Dương đòi thả Phan Chu Trinh "vì người này vô tội".

Trong khi đó, một số người hoạt động cùng thời chỉ xin ân xá cho Phan Chu Trinh (nói là ân xá đồng nghĩa với việc thừa nhận Phan Chu Trinh có tội). Sau sự kiện này, Nguyễn Văn Vĩnh đã bị nhà cầm quyền đe dọa: "Ở Côn Lôn còn rộng chỗ lắm đấy. Chú hãy liệu (trích báo Sài Gòn cũ tháng 5/1936)".

Mặt khác Nguyễn Văn Vĩnh đứng ra chịu trách nhiệm, bảo lãnh cho Phan Kế Bính thoát khỏi án tử hình do tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Chính vì sự hiểu biết của Nguyễn Văn Vĩnh buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ. Từ đó, Nguyễn Văn Vĩnh trở thành nhân vật đáng gờm, mà người Pháp không thể bỏ qua.

Quan điểm của Nguyễn Văn Vĩnh đã từng bộc lộ trong bài viết do ông làm chủ bút: "Làm cách mạng phải có tri thức, không có tri thức sẽ khó làm được cách mạng". Theo nhà sử học Phan Huy Lê: "Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có thể có những điều nhà sử học không thể nói ra sự thật. Tuy nhiên, nếu họ đã nói ra thì phải nói đúng và tôn trọng sự thật . Sự thật liên quan đến cái chết bất thường của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh là chống đối lại Pháp, phê phán Triều đình?".

Ông chủ xưởng in báo đầu tiên ở Việt Nam

Được biết, năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh đã thông qua một người Pháp mở nhà in đầu tiên ở Hà Nội. Đồng thời ông xuất bản tờ báo "Đăng cổ Tùng báo", tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc Kỳ. Ngay trong số báo đầu tiên ra ngày 28/3/1907, ông đã viết bài: "Người An Nam nên viết chữ An Nam". Trong bài báo khiến sự chú ý của hàng nghìn người, Nguyễn Văn Vĩnh nói về sự tiện lợi và ý nghĩa của chữ Quốc ngữ. ông khẳng định, nước Nam ta mai sau này hay, dở cũng dùng chữ Quốc ngữ.

Lương Liễu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.