Tứ linh bao gồm Long - Ly - Quy - Phụng là bốn linh vật có sức mạnh phi thường tượng trưng cho trời đất, đại diện cho 4 nguyên tố chính của trời đất nước, lửa, đất và gió. Hình tượng Tứ linh được sử dụng và khắc họa khá phổ biến trong nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Tứ linh mang đậm tính chất tâm linh và phong thuỷ. Việc sở hữu hình tượng Tứ Linh bằng gỗ trong nhà không chỉ đem đến sự sang trọng và ấm áp cho ngôi nhà mà còn mang đến may mắn cho gia chủ. Theo quan niệm phong thuỷ, đồ gỗ Tứ linh trong nhà đúng chuẩn phong thuỷ sẽ giúp trấn trạch, ngăn chặn tà khí xâm nhập và mang đến may mắn, bình an cho gia đình.
Các vật phẩm khắc Tứ linh đều có độ khó và độ tinh xảo cao do phải khắc họa tới 4 hình tượng trên một vùng không gian nhỏ. Hơn nữa các linh vật này đều có những chi tiết đòi hỏi phải được khắc họa chính xác nên thời gian thực hiện những sản phẩm này cũng lâu hơn và giá trị cũng cao hơn rất nhiều.
Hiểu được những giá trị tâm linh của hình tượng này, nghệ nhân Nguyễn Văn Phúc, làng nghề huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã bỏ công bỏ sức để chế tạo nên một siêu phẩm đồ gỗ, bộ bàn ghế Tứ linh với kích thước đồ sộ.
Loại gỗ được lựa chọn là gỗ trai có xuất xứ từ đất đỏ Tây Nguyên. Đặc biệt, bộ bàn ghế này được làm từ bộ rễ cây gỗ trai với tuổi đời hơn 1.000 năm.
Khi đã có nguyên liệu trong tay, ông Phúc cùng 1 nghệ nhân và 2 thợ phụ khác bắt tay vào làm không ngừng nghỉ. Sau hơn 6 tháng miệt mài chạm khắc, cuối cùng ông Phúc cũng hoàn thành tác phẩm để đời.
Ngắm nhìn bộ bàn ghế Tứ linh, ánh mắt người xem sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi phần đầu rồng tinh xảo ở băng ghế dài. Hình dáng của con rồng tỏa ra nét uy nghi nhưng đang uốn lượn hết sức mềm mại. Tay vịn cuối băng ghế khắc hình con chim phượng hoàng với thế vỗ cánh bay lên.
Mặt bàn được làm từ phiến gỗ nguyên khối với phần đầu rùa nhô ra ở phía trước, phía cuối bàn là tán cây rộng được chế tác hết sức công phu và đồ sộ. Phần ghế nhỏ được chạm khắc hình kỳ lân cũng tinh xảo không kém. Để có thể chế tác mặt ghế, người nghệ nhân phải nghiên cứu tỉ mỉ để chắp ghép thêm. Tuy nhiên,số gỗ để sử dụng chắp ghép chỉ chiếm chưa đầy 20%.
Bộ bàn ghế này từng được trưng bày ở Hội chợ công thương vùng Bắc Trung bộ - Nghệ An 2017, thu hút sự chú ý của không ít người dân tham gia. Dân chơi gỗ không khỏi bất ngờ với gốc gỗ trai này bởi theo nhiều người thì phần gỗ này gần như là đã hóa thạch. Nhiều người dân tham gia hội chợ lưu giữ khoảnh khắc đẹp, lạ với bộ bàn ghế 'khủng' này.
Chia sẻ với Dân Trí, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, giá trị của bộ bàn ghế này không chỉ nằm ở tuổi đời của gỗ mà còn là công sức, tâm huyết và sự tài hoa của những người tạo ra nó.
“Bộ bàn ghế rất đẹp, hoành tráng, chạm khắc tinh xảo, phải nói là không chê vào đâu được. Tuy nhiên nó quá đồ sộ, đặt ở đâu để phát huy được giá trị cũng là cả vấn đề cần phải suy nghĩ, cân nhắc khi mua”, anh Lâm – một dân chơi đồ gỗ chia sẻ.
Tuy nhiên mọi người chỉ dám ngắm nhìn chứ không nhiều người dám rút hầu bao ra để tậu siêu phẩm đồ mộc này. Mức giá được đưa ra đối với bộ bàn ghế Tứ linh là 2,8 tỷ đồng.
Bá Di (Tổng hợp)