Sinh ra và lớn lên tại Hương Khê (Hà Tĩnh), từng thi đỗ vào Học Viện Nông nghiệp Việt Nam nhưng anh Lê Hoài Nam (SN 1995) lại chọn ở lại quê nhà, tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình để làm kinh tế nông thôn.
Mới đầu, anh Nam thử sức mình trong việc làm trang trại gà, làm lò ấp trứng, trồng mít và một số loại cây ăn quả nhưng mang lại hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2019, tình cờ nhìn thấy một số hình ảnh của hoa cúc được chia sẻ trên một diễn đàn về trồng trọt, thấy đẹp nên anh Nam liền bỏ ra số tiền vài trăm nghìn đồng để mua một số loại cúc về trồng cho vui.
Từ vài chậu hoa cúc mua về trồng cho vui, anh Nam quyết định khởi nghiệp với loại cây này.
“Mới đầu tôi chỉ trồng một số loại hoa cúc cổ của Việt Nam để chơi cho vui vì bản thân cũng có niềm đam mê với hoa cỏ từ trước. Sau đó, tôi có tham gia một số hội nhóm của những người yêu hoa cúc, thấy có nhiều loại cúc nhập khẩu rất đẹp và lạ nên mua tiếp về trồng”, anh Nam kể.
Với mục đích ban đầu là mua về trồng thử nghiệm, chơi hoa là chính nhưng càng nghiên cứu sâu, anh Nam lại càng tìm thấy sự thích thú và đam mê lớn với loại hoa này.
Theo anh Nam, hoa cúc là một loài hoa đẹp nhưng chưa nhiều người biết đến. Đa phần, mọi người chỉ biết đến một vài loại cúc như cúc vàng, cúc trắng, cúc mâm xôi, trong khi thế giới của hoa cúc rộng lớn hơn rất nhiều.
Vườn hoa cúc của anh Nam hiện tại có tới hơn 50 loài với nhiều màu hoa khác nhau.
Vừa trồng, anh vừa nghiên cứu làm sao để lai tạo được những giống cúc có màu sắc lạ, thuần hoá được các giống hoa cúc khó tính từ nước ngoài về trồng Việt Nam.
Những chậu hoa được anh trồng và nhân giống thành công nhanh chóng được nhiều người tìm mua với giá cao. Thấy được tiềm năng phát triển kinh tế của loại hoa này, anh Nam bắt tay vào tìm mua các giống hoa cúc đẹp từ rất nhiều nơi trên thế giới về thuần hoá và nhân giống để bán.
“Tôi quan niệm, chỉ đam mê không thôi là chưa đủ mà cần phải kiếm sống được từ chính niềm đam mê đó mới bền vững”, anh Nam nói.
Vừa chơi, anh Nam vừa thuần hoá và nhân giống các loại hoa cúc khó tính có màu hoa đẹp để bán.
Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc và kỹ thuật trồng, một số dòng hoa cúc khó tính nhập khẩu về Việt Nam được anh mua về bị hao hụt giống khá nhiều do không thích nghi được khí hậu nóng ẩm của miền Trung.
Dần dần, anh khắc phục bằng cách nghiên cứu các tài liệu liên quan, học hỏi từ các anh chị đi trước ở hội nhóm yêu cây để áp dụng vào việc trồng hoa cúc.
Theo anh Nam, hoa cúc ưa ẩm nhưng không chịu được úng. Vì vậy, giá thể trồng cúc được anh trộn đất với trấu, phân chuồng đã ủ hoai mục, tỷ lệ phải chuẩn để giá thể được tơi xốp và thoát nước tốt.
Hiện tại anh Nam đã sở hữu khu vườn trồng hoa cúc rộng 1.000m2.
Trong quá trình chăm sóc, anh bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng hỗn hợp phân NPK, humic, vi lượng tưới gốc, bón thêm các dòng phân hữu cơ, tự ngâm ủ, phun thêm phân bón lá và cắt cành thường xuyên để cây ra tán.
“Hoa cúc thường nở rộ từ đầu mùa đông đến giữa mùa xuân. Hoa nở bền từ 3-5 tuần, tuỳ theo nhiệt độ lúc nở, càng lạnh hoa lên màu càng đậm và lâu tàn. Đặc biệt, ở nhiệt độ khác nhau sẽ cho ra các màu hoa khác nhau”, anh Nam bày tỏ.
Nắm bắt được kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc, từ những dòng dễ tính đến các màu hoa nhập khẩu khó tính khác, anh Nam ngày càng sở hữu được nhiều màu hoa cúc và được mọi người biết đến, tìm mua, mang về thu nhập không nhỏ.
Hoa cúc được trồng trong nhà kính, có hệ thống tưới tự động.
Có tiền bán hoa, anh tiếp tục đầu tư mua thêm đất để trồng hoa. Để chinh phục các loại hoa cúc nhập khẩu khó tính với nhiều màu hoa khác nhau, anh Nam quyết định đầu tư 400 triệu đồng để làm nhà kính, hệ thống tưới tự động và che nắng, mua vật tư, cây giống…
Đến nay, anh Nam đang sở hữu khu vườn rộng 1.000m2 nhà kính chuyên để trồng hoa cúc với hơn 50 giống hoa cúc khác nhau được anh chọn lọc và thuần hoá qua từng năm, mang về doanh thu trên 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.
Mỗi năm anh Nam thu được hơn 200 triệu đồng từ hoa cúc.
Thời gian tới, anh Nam dự định sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng hoa cúc, sưu tầm và thuần hoá thêm nhiều giống hoa cúc hơn để chia sẻ niềm đam mê tới tất cả những người yêu hoa cúc khắp cả nước.
“Dự định xa hơn của tôi là sẽ trồng hoa cúc quy mô lớn để có thể xuất khẩu ngược hoa cúc từ Việt Nam ra nước ngoài”, anh Nam bày tỏ.
Hồng Cảnh