Tự Long luôn tự tin với nghề "chọc cười"

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

Hài kịch là một món ăn mà ai cũng muốn ăn, nên nó sẽ không bao giờ chết đi cũng không bao giờ thiếu được.

Hơn mười năm lăn lộn với nghề, ngoài những giây phút "chọc cười" khán giả trên sân khấu, ở ngoài đời người ta bắt gặp một Tự Long nhiều suy tư trăn trở với nghề.

Danh hài Tự Long luôn tự tin với nghề "chọc cười"

Sân khấu vẫn đỏ đèn

Có ý kiến cho rằng khán giả đang dần xa rời sân khấu hài kịch, nhưng thấy Tự Long lúc nào cũng bận rộn với các sô diễn. Sự thật thì không khí sàn diễn hài kịch ra sao?

Từ lúc chương trình "Gặp nhau cuối tuần" không còn nữa thì các nghệ sỹ hài ở miền Bắc nói không có sân chơi chung. Yếu tố đó khiến hình ảnh các nghệ sỹ hài không còn ở trong lòng người xem một cách sâu đậm như ngày xưa nữa.

Dù không có những chương trình lớn nhưng chúng tôi vẫn bận rộn với công việc của cơ quan. Không giống như các nghệ sỹ ở miền Nam, nghệ sỹ ở miền Bắc ai cũng chọn cho mình một chỗ đứng, một đơn vị, có nơi quản lý, đều ở các đoàn nghệ thuật khác nhau.

Thường thì các nghệ sĩ hài diễn ở đâu?

Mỗi người có một cách riêng, người thì làm gameshow, người thì làm những chương trình hài của những đài địa phương, cũng có người thì làm những chương trình sân khấu.

Theo anh khán giả có mặn mà với sân khấu hài kịch như xưa?

Hài kịch là một món ăn mà ai cũng muốn ăn, nên nó sẽ không bao giờ chết đi cũng không bao giờ thiếu được. Dù cuộc sống có thay đổi mấy đi chăng nữa thì mọi người vẫn cứ cần tiếng cười nghệ sỹ hài vẫn có đất để sống.

Có người nói hài kịch hiện tạo ra tiếng cười không sâu sắc mà chỉ cố chọc cười khán giả bằng vẻ bề ngoài kệch cỡm, khuyết thiếu, bằng những từ ngữ thô tục mà thiếu đi vẻ thâm thúy. Anh nghĩ sao về điều này?

Đấy là một đề tài muôn thuở, người ta bảo "hết nạc thì vạc đến xương". Một người nghệ sỹ có khi cả đời chỉ để lại được một vai diễn thôi. Bây giờ khán giả thì vẫn yêu cầu người ta diễn trong khi cả một nhà hát to còn khó khăn về kịch bản, khó khăn bao nhiêu thứ nữa là...

Vì khán giả cứ muốn "ăn ngay" nên việc đôi khi tạo ra tiếng cười bằng vẻ bề ngoài kệch cỡm, bằng những ngôn từ không có gì thâm thúy là việc bình thường. Tôi không hề thanh minh cho tình trạng này vì đây là một vấn đề không chỉ riêng tôi trăn trở mà rất nhiều người trăn trở. Muốn có một tiểu phẩm hay đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ kịch bản, đạo diễn, sân khấu đến diễn viên.

"Phát sợ vì "đói" kịch bản"

Như vậy vấn đề của hài kịch là thiếu kịch bản hay?

Đúng. Rất ít người viết kịch bản hài, có rất nhiều kịch bản là do mình lấy từ nước ngoài về làm đấy chứ. Có một ông Chí Phèo mà bao nhiêu nhà hát, bao nhiêu nhóm hài người ta dùng, người ta làm.

Tự Long và bạn diễn ăn ý Xuân Bắc

Anh có tham gia viết kịch bản hài không?

Chúng tôi đang tạm thời trong tình trạng "tự biên tự diễn". Cứ nghĩ ra cái gì hay thì viết, rồi tôi và Xuân Bắc tự sửa, tự tập. Cũng có một vài cái thì đi xin kịch bản về làm.

Cái lối kịch mà bọn tôi viết là kịch để diễn, đã có sẵn ý tứ, đã hình dung ra cách viết, tính trước được đường đi nước bước rồi. Nhưng nếu không có nó thì không có gì mà dựa vào. Nhiều khi phát sợ vì "đói" kịch bản

Làm thế nào để một nghệ sỹ hài có tên trong lòng khán giả?

Trước hết phải được diễn. Để khán giả biết đến một Tự Long như bây giờ tôi phải mất 5 năm trên sân khấu. Có người nổi tiếng bằng một bộ phim, có người đóng phim 10 năm không ai biết là ai.

Nói chung nổi tiếng về hài kịch thì rất khó. Hơn nữa là các nghệ sỹ làm cái gì để cho mọi người cười và cười như thế nào cũng là điều rất đáng nghĩ. Nghệ sỹ hài chúng tôi có sống được trong lòng khán giả hay không đấy là do tác phẩm, do ứng xử, do những chương trình nghệ thuật...

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Huyền Trang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.