Từ lùm xùm bầu Đức không có bằng đại học: Mức độ sính bằng cấp rất nặng nề!

Từ lùm xùm bầu Đức không có bằng đại học: Mức độ sính bằng cấp rất nặng nề!

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 18/04/2018 19:40

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục Đại học (bộ GD&ĐT) cho rằng trong xã hội Việt Nam hiện nay, việc mọi người sính bằng cấp đang ở mức độ rất nặng nề.

Từ tiêu chí bằng đại học của liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra trước thềm đại hội VFF nhiệm kỳ VIII, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó vụ Giáo dục Đại học (bộ GD&ĐT) về vai trò, mức độ, tầm quan trọng của tấm bằng nói chung và tấm bằng đại học nói riêng.

PV: Thưa ông, thực tế hiện nay có nhiều sinh viên đã tốt nghiệp và ra trường nhưng không sử dụng đến tấm bằng đại học. Theo ông, bằng đại học có quan trọng hay không? Nếu có, tấm bằng ấy quan trọng trong trường hợp nào?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi, bằng cấp, không chỉ riêng bằng đại học mà còn cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ, chỉ thực sự quan trọng nếu người đó làm công việc đòi hỏi có trình độ tương đương. Còn những công việc không đòi hỏi trình độ như thế thì bằng cấp là không cần thiết. Thực tế hiện nay có một bộ phận người mắc bệnh “háo danh”. Ví dụ như có người làm quản lý, không đi dạy nhưng vẫn muốn làm hồ sơ để được danh hiệu giáo sư, phó giáo sư. Ở các nước khác, những người làm trong lĩnh vực giảng dạy đại học hay khoa học thì mới cần đến bằng thạc sĩ, tiến sĩ, còn nếu làm công việc khác không phải là nghiên cứu khoa học thì không cần phải có bằng cấp cao. Đấy là vấn đề vẫn còn lẫn lộn ở Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, có những người rất tài giỏi nhưng không học lấy bằng cấp mà tự học trong chính cuộc sống hàng ngày. Tóm lại, làm việc gì cũng cần phải dành thời gian tìm hiểu xem công việc đó cần bằng cấp gì, để có thể chuẩn bị năng lực tốt nhất cho bản thân, năng lực đó cũng có thể hình thành trong quá trình tự học trong cuộc sống.

Từ lùm xùm bầu Đức không có bằng đại học: Mức độ sính bằng cấp rất nặng nề!

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng mức độ sính bằng cấp ở Việt Nam hiện nay rất nặng nề (Ảnh: Internet).

PV: Cũng có ý kiến cho rằng, việc học để lấy tấm bằng đại học ấy chỉ phục vụ cho những người là “con ông cháu cha”. Theo ông, ý kiến này là đúng hay sai?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi, ý kiến này là không đúng. Vấn đề “con ông cháu cha” là từ thời xa xưa, khi mà rất ít người được học và đủ khả năng để học đại học. Còn hiện nay, khi đất nước đang ở thời kỳ công nghiệp 4.0, có rất nhiều công việc đòi hỏi phải có trình độ đại học mới có thể đảm đương được. Không chỉ có vậy, các công việc đòi hỏi trình độ đại học trở lên là để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao để đưa đất nước phát triển và hội nhập trong thời đại công nghiệp 4.0 này.

PV: Nhưng, cũng có rất nhiều người học lấy tấm bằng đại học nhưng sau đó lại làm một công việc không liên quan đến ngành học của mình. Vậy, việc học để lấy tấm bằng đó có bị coi là lãng phí?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Đây là vấn đề xuất phát từ quan niệm duy vật. Bởi từ xa xưa, ông cha ta quan niệm học đại học là để có một cái nghề. Quan niệm ấy đã không còn phù hợp với ngày nay, bởi học đại học không chỉ là để lấy một cái nghề mà quan trọng hơn là phải có mục tiêu khi đi học. Việc học đại học mang lại rất nhiều lợi ích, có thể kể đến như là năng lực của con người sẽ phát triển dần lên.

Một vấn đề nữa là nếu đào tạo nghề thì học nghề nào phải làm đúng nghề đó, còn học đại học là học một ngành nào đó cụ thể nhưng có thể làm được nhiều nghề khác nhau chứ không phải chỉ riêng một nghề. Đây là điều lâu nay vẫn bị xã hội quan niệm sai lệch.

Thực tế bản thân tôi, sau khi ra trường cũng đã phải làm rất nhiều nghề khác nhau chứ không phải chỉ tập trung chuyên môn hóa trong một nghề cố định.

Từ lùm xùm bầu Đức không có bằng đại học: Mức độ sính bằng cấp rất nặng nề! (Hình 2).

Các bạn trẻ cần tìm hiểu kỹ ngành học (Ảnh minh họa).

PV: Theo ông, các bạn trẻ hiện nay khi lựa chọn ngành học đại học có cần phải cân nhắc khi lựa chọn các ngành, nghề hay không? Hay là cứ học trước rồi sau này mới tính xem tấm bằng đại học có cần thiết sử dụng?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi là không nên học trước rồi mới xem tấm bằng đó có cần thiết sử dụng.

Thứ nhất, việc lựa chọn học đại học cốt chỉ để lấy tấm bằng đại học hay để có cái danh. Nhưng, đến khi đi làm mới nhận ra công việc không phù hợp với sở trường, hứng thú của mình. Học là phải thuận theo sự hứng thú của bản thân, từ đây ta mới mong muốn tìm một công việc có thể thỏa mãn sự hứng thú đó sau khi ra trường.

Thứ hai, có quan niệm cho rằng “Học đại học không phải là học để chuyên sâu mà mới chỉ dừng ở bề nông của một lĩnh vực nào đó”. Ví dụ, nền kinh tế nhiều thành phần như hiện nay sẽ buộc sinh viên phải tự đi kiếm việc làm, thay vì học xong sẽ được nhà nước bố trí công việc phù hợp như nền kinh tế quốc hữu hóa trước kia. Vì vậy, khó có thể đào tạo sâu được.

Việc giảng dạy ở các trường, theo tôi không nên chú trọng dạy chuyên sâu vào bất kỳ ngành nghề nào cả, bởi bậc học đầu tiên chính là bậc đào tạo cử nhân. Còn các trường có thể mở các lớp đào tạo chuyên môn sâu để người lao động – khi đã có một công việc cụ thể thì có thể quay lại trường học tiếp, bởi nghề buộc ta phải học suốt đời.

PV: Vậy thưa ông, trong xã hội Việt Nam hiện nay, việc sính bằng cấp có còn tồn tại? Theo đánh giá của ông thì sính bằng cấp đang ở mức độ như thế nào?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Việc sính bằng cấp vẫn còn ở mức độ rất nặng nề trong suy nghĩ của người dân, ngay cả các cơ quan quản lý cũng vẫn có tình trạng này. Chính vì tư tưởng này nên mới xảy ra nhiều chuyện gian dối trên thực tế.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.