Mối liên hệ với dòng họ Kennedy
Martha Elizabeth Moxley sinh ngày 30/8/1960 tại Piedmont, California. Vào năm 1974, gia đình Moxley chuyển đến Belle Haven, một khu phố giàu có ở Greenwich, Connecticut. Là một nữ sinh cá tính và xinh đẹp, Moxley được bạn bè yêu mến. Ở lứa tuổi đẹp nhất, cô gái trẻ dường như có mọi thứ trong tay.
Hàng xóm của Moxley là gia đình khá có tiếng Skakel. Cô chơi cùng với hai anh em Thomas, 17 tuổi và Michael Skakel, 15 tuổi. Cả hai đều là cháu vợ của Robert F. Kennedy, em trai của cố Tổng thống John F. Kennedy lừng lẫy một thời.
Đêm Halloween năm 1975, Moxley ra ngoài đi chơi cùng bạn bè. Mẹ của Moxley bắt đầu lo lắng khi 4h sáng vẫn chưa thấy con gái về nhà. Bà gọi cho bạn bè của Moxley để hỏi thăm tình hình nhưng không có ai biết cô bé ở đâu. Đến sáng hôm sau, Moxley vẫn không thấy tăm hơi.
Một người bạn của Moxley nói đã nhìn thấy cô bé đi cùng Thomas Skakel đêm hôm trước. Tuy nhiên, khi sang gõ cửa gia đình nhà Skakel, họ cũng tỏ ra ngạc nhiên và lắc đầu. Đến trưa hôm đó, Sheila, bạn của Martha Moxley nhìn thấy một cảnh tượng khủng khiếp. Dưới gốc cây thông lớn ngay trong khu vườn của gia đình Moxley chính là cô con gái mất tích.
Quần áo của Moxley dính máu và bị kéo xuống mắt cá chân. Moxley tử vong do bị một chiếc gậy golf đánh vào đầu. Cú đánh mạnh đến nỗi cây gậy bị gãy ngay tại hiện trường. Với những dấu vết rõ ràng, các nhà điều tra phát hiện bộ đánh golf trong nhà Skakel thiếu đi một cây gậy rất giống với hung khí đã sát hại Moxley. Mọi sự chú ý tập trung vào Thomas Skakel - người cuối cùng nhìn thấy Moxley còn sống.
Khi được hỏi, Thomas Skakel nói với cảnh sát lần cuối anh nhìn thấy Moxley là vào khoảng 21h30 bên ngoài nhà mình. Anh nói lời tạm biệt với cô và đi vào bên trong để xem phim cùng gia đình. Thomas Skakel vượt qua bài kiểm tra phát hiện nói dối và không có cáo buộc nào được đưa ra.
Về phần mình, người em Michael Skakel nói anh ta rời khỏi nhà vào khoảng 21h15 và lái xe tới nhà người anh em họ rồi trở về vào khoảng 23h. Bằng chứng ngoại phạm của Michael Skakel khá chắc chắn. Mọi nỗ lực điều tra đi vào ngõ cụt và gia đình Skakel bị loại ra khỏi diện nghi vấn một cách khó hiểu. Sau đó, vụ án đi vào quên lãng suốt gần hai thập kỷ.
Nhà báo điều tra đã làm gì để “giải mật” hồ sơ?
Trong khi vụ án Martha Moxley không còn được cảnh sát chú tâm đến, có một người đàn ông đã quyết đi theo vụ việc tới cùng. Đó chính là Leonard Levitt. Leonard Levitt là một phóng viên kỳ cựu ở New York, người đã dành phần lớn sự nghiệp để theo đuổi các đề tài về tội phạm. Tốt nghiệp chuyên ngành báo chí tại đại học Columbia, Levitt từng công tác tại nhiều tờ báo như Long Island Press, hãng thông tấn AP, Detroit News và tạp chí Time.
Levitt được hai tờ báo Greenwich Time và The Stamford Advocate thuê vào những năm 1980 để điều tra vụ sát hại Moxley vốn đang dang dở. Sau chuỗi ngày tháng điều tra trong âm thầm, bài báo của Levitt cùng đồng nghiệp Kevin Donovan được dựa trên khoảng 400 trang tài liệu của cảnh sát và hơn 100 cuộc phỏng vấn. Bài báo được đăng tải vào năm 1991 và gây tiếng vang lớn vào thời điểm đó. Sau 16 năm tuyệt vọng, gia đình Moxley lại có thêm niềm tin một lần nữa.
Trong loạt bài viết của mình, Levitt chỉ ra những chi tiết khó hiểu trong quá trình điều tra, đồng thời cáo buộc cảnh sát địa phương dường như đã bao che cho gia đình Skakel, cố tình để lọt thủ phạm.
Bài báo của Levitt đã tạo nên làn sóng dư luận đủ lớn khiến các nhà chức trách phải lật lại hồ sơ vụ án để tìm ra thủ phạm. Toàn bộ quá trình điều tra sau này đã được ông trình bày chi tiết trong cuốn sách “Bằng chứng thuyết phục: Giải mã vụ sát hại Moxley” (2004), cùng với thanh tra Frank Garr, điều tra viên chính của vụ án.
Lần này, người con thứ Michael Skakel trở thành nghi phạm chính. Để xóa bỏ những đồn đoán nhằm vào gia đình mình, người cha Rushton Skakel đã thuê thám tử tư làm rõ chân tướng vụ việc, nhưng trái ngang thay kế hoạch đã hoàn toàn phản tác dụng.
Hai thám tử tư vào cuộc là Jim Murphy, một cựu đặc vụ FBI và trợ lý Willis Billy Krebs, một cựu cảnh sát New York. Khi hai người phỏng vấn Thomas và Michael Skakel một lần nữa về hoạt động của họ trong đêm sát hại Moxley, hóa ra cả hai đều nói dối cảnh sát.
Thomas Skakel tiết lộ rằng, không phải anh nhìn thấy Martha lần cuối vào lúc 21h30 như lời khai ban đầu mà thực ra là gần 22h. Trước khi trở vào nhà, hóa ra Martha Moxley và Thomas Skakel đã tình tứ với nhau. Trong khi đó, người em Michael Skakel nói với điều tra viên rằng, anh ta không đi ngủ khi về nhà từ người anh em họ vào lúc khoảng 11h tối. Michael đã trèo lên một cái cây bên ngoài cửa sổ phòng ngủ của Martha Moxley để nhìn trộm.
Bản báo cáo mới về vụ án đã chuyển cho thanh tra Frank Garr. Ông là người luôn nghi ngờ Michael Skakel, nhưng mọi quan điểm của ông đều bị gạt bỏ. Cùng với báo cáo nói trên và bài viết điều tra do người cộng sự Levitt ròng rã thu thập, Frank Garr đã thuyết phục được cấp trên tiến hành loạt điều tra mới.
Năm 1998, một bồi thẩm đoàn đã được chỉ định để xem xét trường hợp của Martha Moxley. Khi cân nhắc các bằng chứng, Thẩm phán George N. Thim phán quyết rằng có đủ cơ sở để buộc tội Michael Skakel chính là kẻ giết cô bạn gái đồng trang lứa.
Về động cơ gây án, Michael Skakel khi ấy muốn giở trò đồi bại với cô bạn gái hàng xóm nhưng gặp phải sự chống cự. Tức tối, hắn đã lấy gậy đánh golf đánh vào đầu của Moxley. Michael nói rằng, đêm sát hại Moxley, hắn say rượu và đã hút cần sa.
Một số bạn học cũ của Michael Skakel cho biết, hắn đã từng thú nhận về việc giết Martha Moxley, thậm chí còn cao ngạo khi tuyên bố rằng bản thân sẽ thoát tội giết người vì là thành viên của gia tộc Kennedy.
Bất chấp lời bào chữa của luật sư cho rằng, Michael có những chứng cứ ngoại phạm trong buổi tối định mệnh hôm đó, vào ngày 7/6/2002, bồi thẩm đoàn đã phán quyết có tội. Michael bị kết án 20 năm tù vì tội danh Giết người sau 27 năm.
Công lý đã không đến đích
Thế nhưng, vụ án Martha Moxley vẫn chưa khép lại ở đó. Trong thời gian thụ án, luật sư của Michael Skakel vẫn tiếp tục kháng cáo. Sau đó, vào ngày 23/10/2013, Michael ra tòa sau khi luật sư bào chữa cung cấp những chứng cứ mới cho thấy quá trình tố tụng có nhiều sai sót. Một tháng sau, Michael được bảo lãnh tại ngoại với số tiền 1,2 triệu USD.
Cuộc chiến pháp lý giữa các công tố viên và phía luật sư bào chữa của Michael vẫn tiếp diễn trong vài năm sau đó. Phía công tố vẫn tin rằng, Michael là thủ phạm nhưng do vụ án đã kéo dài quá nhiều năm, việc lật lại các tình tiết trở nên khó khăn. Cuối cùng, kẻ ác thủ vẫn không phải trả giá cho tội ác của mình.
Còn với nhà báo Leonard Levitt, người đã làm phần nào làm sáng tỏ vụ án Martha Moxley đình đám một thời vừa qua đời ở tuổi 79 vào tháng 5/2020, sau những thập kỷ cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp báo chí.
Bạn bè và đồng nghiệp nhớ đến ông như một nhà báo chính trực và là cây viết sâu sắc. Thanh tra Frank Garr – người phụ trách vụ án Martha Moxley, đã gọi Levitt là “người kiếm tìm sự thật” và là một nhà báo tuyệt vời.
Khi Michael Skakel nhận bản án vào năm 2002, Levitt cho biết cảm giác của ông lúc đó là sự mãn nguyện. “Cái kết đó đã minh chứng rất nhiều điều, cho tầm quan trọng và mục đích của báo chí và những điều mà một nhà báo như chúng tôi nên làm”, ông nói. “Nếu không có báo chí, có lẽ những vụ việc như vậy sẽ bị chôn vùi trong lãng quên”.