Đó là Phan Phước Nhung (SN 1971), thành viên Đội Dân phòng khu vực Đa Mặn, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
Phan Phước Nhung
Tuổi trẻ bồng bột
Từng là một đối tượng hình sự với 2 tiền án, một “Chí Phèo” khiến xóm giềng ngán ngẩm. Giờ đây, Phan Phước Nhung đã thành một công dân gương mẫu, đóng góp tích cực giữ gìn ANTT tại địa phương. Chính tình yêu và sự bao dung đã nâng bước anh trên con đường hoàn lương. Được trung tá Huỳnh Ngôn, phó trưởng công an phường Khuê Mỹ dẫn đường, chúng tôi tìm gặp Phan Phước Nhung (40 tuổi), một đội viên dân phòng tích cực ở khối phố Đa Mặn. Anh vừa được UBND TP Đà Nẵng biểu dương nhân Hội nghị tổng kết 10 năm “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Anh Nhung kể: "Hồi trẻ, tôi đã làm nhiều việc khiến cha mẹ đau lòng. Nếu cha mẹ chán nản bỏ mặc, thì không biết cuộc đời tôi nay về đâu".
Sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, gia cảnh nghèo nên cậu bé Nhung học đến lớp 7 rồi nghỉ, theo học nghề khoan cắt bê tông để mưu sinh. Sau 3 năm học nghề và làm công cho chủ, năm 1993, anh Nhung khăn gói lên đường ra Hà Nội mưu sinh. "Mình nhà quê nên khi ra Hà Nội sinh sống, không biết xoay xở thế nào. Suốt 3 năm lao động mà cũng chẳng đủ ăn nên năm 1996 tôi quyết định quay về Đà Nẵng... rồi thất nghiệp", anh Nhung nhớ lại. Giao du với đám bạn bè chuyên trộm cắp, rượu chè, nghiện ngập gần nhà, anh Nhung nhanh chóng nhiễm các thói hư tật xấu và sống bất cần đời.
Suốt ngày lông bông, ăn bám gia đình, khi thiếu tiền nhậu nhẹt, Nhung sẵn sàng về chôm đồ nhà hoặc theo đám bạn rình mò xóm giềng để khua khoắng cả những thứ vặt vãnh. Xoay mọi cách vẫn không ra tiền, Nhung vẫn theo nhóm bạn "hồn nhiên" vào những hàng quán ven biển Mỹ Khê ăn uống phỉ sức rồi xin khất nợ nhưng không bao giờ trả. Chủ quán nào phản ứng là bị nhóm bạn của Nhung hù dọa, thậm chí đập phá khiến ai đấy đều ngán ngẩm. Mặc cho cha mẹ hết sức khuyên can, thậm chí người cha khi nổi nóng còn dùng vũ lực để răn dạy, nhưng Nhung vẫn chứng nào tật nấy.
Một đêm giữa tháng 9/1996, bãi biển Mỹ Khê mưa lất phất, chỉ có vài cặp tình nhân lãng mạn thì thầm bên cánh sóng. Ở một góc khuất, nhóm của Nhung vẫn chén tạc chén thù. Đêm dần về khuya, cả nhóm vét trong người gom được 100 ngàn đồng, không đủ để ngồi đến sáng. “Cướp”, ý tưởng được đưa ra và tất thảy hưởng ứng. Cả nhóm cầm dao, gậy đi tìm mồi. Loanh quanh một lúc, một cặp tình nhân đang tâm sự nơi góc khuất trở thành nạn nhân của những kẻ đang khát tiền. Hoảng sợ, đôi tình nhân có bao nhiêu tài sản đều đưa cho mấy tên cướp để xin được toàn mạng.
Vụ cướp hôm đó đã làm kinh động vùng biển vốn bình yên khiến lực lượng công an đặc biệt chú ý. Không lâu sau đó, khi nhóm Nhung đang chia chiến lợi phẩm thì bị bắt gọn. Riêng Nhung may mắn trốn thoát. Hai tháng trời trốn chạy ở đất Tây Nguyên, cuối tháng 11/1996, Nhung quay về Đà Nẵng đầu thú. Phiên tòa mở sau đó 2 tháng, Nhung bị kết án 3 năm tù về tội Cướp tài sản.
Suốt 3 năm trong tù, đều đặn hằng tuần bố mẹ Nhung đến thăm nuôi, khuyên con cải tạo tốt để làm lại cuộc đời. Những lúc bố, mẹ tôi vào trại thăm, nhìn những giọt nước mắt của họ, tôi thực sự ân hận. Tôi hứa sẽ làm lại cuộc đời. Có lẽ nhờ đó mà tôi cải tạo tốt, được đặc xá trước thời hạn 3 tháng, Nhung nhớ lại. Thế nhưng, sự sám hối không đủ lớn để chiến thắng cái bồng bột trong Nhung. Ngựa quen đường cũ, Nhung lại theo bạn bè đàn đúm.
Cuối năm 1999, trước khu vực Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, nhóm Nhung lại tụ tập ăn nhậu rồi đánh nhau khiến một thanh niên bị thương tích. Nhung tiếp tục nhận thêm 2 cuốn lịch nữa về tội Cố ý gây thương tích. "Đây là hậu quả của những tháng ngày không biết hoàn lương của tôi", Nhung nói. Mặc dù con hư hỏng nhưng với tình yêu thương và sự bao dung, cha mẹ Nhung lại đều đặn hằng tuần đến thăm nuôi và khuyên Nhung cải tạo tốt để làm lại cuộc đời.
Làm lại cuộc đời
Hai lần ngồi tù với 5 lần bóc lịch, lúc đó Phan Phước Nhung ngót nghét tuổi 30. Không nghề nghiệp, không vợ con, thân hình tiều tụy, xóm giềng khinh miệt, đó là những gì anh có trong tay. Anh tâm sự: "Ngẫm lại cuộc đời, tôi hối hận lắm. Nhất là khi trở về địa phương, mọi người xem tôi là người không thể cải tà quy chính, đi đâu họ cũng cảnh giác. Vì vậy mà tôi hứa phải làm lại cuộc đời của mình, không để mọi người khinh bỉ, cười chê, bố mẹ phiền lòng". Quyết tâm hoàn lương, Nhung quay lại với nghề khoan cắt bê tông và tránh xa bè bạn xấu cũng như rượu chè.
Ngày nhọc nhằn mưu sinh nhưng hằng đêm anh luôn miệt mài với công tác tuần tra bảo vệ ANTT
Năm 2004, chị Nguyễn Thị Mười (1979) - một thôn nữ ở Quảng Nam ra Đà Nẵng mưu sinh. Không biết duyên số nào đã đưa Mười đến nhà bố mẹ Nhung thuê trọ. 30 tuổi, chưa một mảnh tình vắt vai, gặp Mười, anh bỗng thấy rung động. Vậy là mỗi chiều về, Nhung lân la chuyện trò, dọn hàng quán giúp Mười buôn bán. Rồi họ nên duyên chồng vợ. Biết quá khứ của chồng, nhưng Mười vẫn chấp nhận. “Đánh kẻ chạy đi, ai nỡ đánh người chạy lại”. Hiểu được tình yêu của vợ, Nhung càng ý thức hơn về trách nhiệm của mình với gia đình. Năm 2007, Hội LHPN phường Khuê Mỹ hỗ trợ vốn, vợ chồng anh mở cửa hàng mua bán phế liệu. Ban đầu làm ăn nhỏ, lấy công làm lời, dần dần có quy mô hơn, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng đủ trang trải cuộc sống. Năm 2008, đứa con gái đầu lòng ra đời như tiếp thêm nghị lực cho anh.
Tuy nhiên anh nghĩ, chỉ làm ăn lương thiện là chưa đủ mà phải biết tham gia giữ gìn ANTT, bài trừ cái xấu cho cộng đồng. Đầu năm 2009, Nhung tham gia đội dân phòng cơ sở. "Tôi phải làm để bù lại những gì mình gây ra cho xã hội. Được sự giúp đỡ của mấy anh CA phường, tôi thường xuyên tham gia tuần tra, bảo vệ trật tự trị an ở địa phương. Từ khi tham gia lực lượng đến nay, tôi thấy như đã hoàn thiện con người mình hơn...", anh nói.
Hạnh phúc của gia đình Phan Phước Nhung sau ngày hoàn lương
Trung tá Huỳnh Ngôn, phó trưởng Công an phường Khuê Mỹ cho biết: "Nếu hơn 10 năm trước, Nhung là tên tội phạm thì nay anh chính là "khắc tinh tội phạm". Bất cứ ở đâu có xảy ra trộm, cướp anh đều có mặt cùng lực lượng công an truy bắt. Dù đêm hay ngày, trong lúc đi tuần tra, hay đi làm việc, nếu phát hiện đối tượng phạm tội anh đều xung kích tấn công ngay, không sợ hiểm nguy. Anh đã tham gia cùng lực lượng Công an bắt giữ hàng chục tên trộm, cướp nguy hiểm trong hơn 2 năm qua”.
Có những lần một mình anh trực tiếp tấn công, bắt giữ tội phạm như vụ truy đuổi, bắt gọn tên cướp giật sợi dây chuyền vàng 5 chỉ trên đường Trần Đại Nghĩa năm 2010, hay vụ bắt giữ một "yêu nữ" vừa vào nhà dân trộm cắp 5 chiếc ĐTDĐ năm 2011. Nhung xem những việc làm của mình là sự bù đắp những lỗi lầm trước đây. Ghi nhận những cống hiến của anh, lãnh đạo các cấp đã tặng nhiều giấy khen để động viên. Tuy nhiên, phần thưởng xứng đáng nhất của anh chính là niềm tin của nhân dân vào con người biết vươn lên sau những tháng ngày lầm lỗi.
Đinh Mạnh Ninh