Để giúp bạn đọc nhận rõ sự nguy hại khi tự ý sử dụng thuốc nhóm phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Phương, Trưởng bộ môn Y học trường cao đẳng Y Dược Pasteur để có lời khuyên chính xác nhất.
Hỏi: Thưa bác sĩ gia đình tôi có 6 người thì 3 người bị đau mắt đỏ, trong đó có 1 trẻ nhỏ và 1 người già. Bác sĩ cho tôi hỏi nguyên nhân mắc bệnh và các triệu chứng của bệnh?
Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Viết Phương: Đau mắt đỏ là một bệnh lý nhãn khoa rất phổ biến, có nhiều nguyên nhân gây ra như nhiễm trùng, dị ứng, do hoá chất hoặc các tác nhân vật lý... nhưng nguyên nhân hay gặp nhất là 2 nhóm nguyên nhân vi trùng và virus với các biểu hiện lâm sàng khác nhau.
Bệnh có thể xuất hiện vào tất cả các thời điểm trong năm, nhưng thường có những đợt bùng phát thành dịch, nhất là vào những thời điểm giao mùa. Bệnh nhân thường có cảm giác ngứa rát cộm như có cát rắc vào mắt, chảy nước mắt và thường có nhiều dử mắt dính chặt hai mi với nhau khiến buổi sáng ngủ dậy rất khó mở mắt. Mi mắt sưng nề mọng đỏ, kết mạc cương tụ đỏ trên diện rộng, mất sắc bóng. Trên kết mạc có thể thấy các gai máu lấm chấm đỏ, dày chi chít.
Quan trọng nhất là các triệu chứng âm tính giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt như thị lực không giảm so với trước, giác mạc trong, tiền phòng, đồng tử, nhãn áp bình thường.
Hỏi: Làm sao để không bị lây sang những người tiếp theo?
Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Viết Phương: Để hạn chế lây cho những người xung quanh người bệnh cần đeo kính râm, khẩu trang, cách ly người bệnh không cho dùng chung chậu, khăn mặt, khăn mặt của người bệnh cần được giặt xà phòng và phơi nắng, sử dụng công cụ bảo hộ lao động khi cần thiết. Tra thuốc phòng bệnh cho người lành. Thầy thuốc vệ sinh tay khám và chú ý khử trùng dụng cụ tránh trở thành trung gian truyền bệnh.
Hỏi: Thưa bác sĩ cách điều trị và kiêng như thế nào?
Trả lời: Điều trị bệnh viêm kết mạc phải căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Nhiều loại viêm kết mạc có xu hướng tự khỏi như viêm kết mạc do virut adeno, do Chlamydya, một số kết mạc do dị ứng… Một số loại có những có diễn biến phức tạp đáng quan tâm như:
Viêm kết mạc do cầu khuẩn lậu cầu có thể nhanh chóng chuyển sang viêm loét giác mạc và biến chứng thủng nhãn cầu.
Viêm kết mạc có giả mạc nếu không được bóc đi và kết hợp dùng thuốc tích cực thì tình trạng viêm sẽ kéo dài và về sau để lại sẹo dúm dó ở kết mạc.
Viêm kết mạc mùa xuân nhú gai quá phát ở kết mạc sụn mi trên kết hợp với các yếu tố bệnh lý khác của tình trạng dị ứng – miễn dịch tại mắt gây ra loét trợt nông ở giác mạc.
Viêm kết mạc do virut adeno: khoảng một tuần sau lúc khởi phát viêm kết mạc có thể sẽ xuất hiện viêm giác mạc chấm nông, bệnh nhân cảm thấy mắt bị kích thích, chói, chảy nước mắt và giảm thị lực.
Tuy vậy trong điều trị có những điểm chung cho loại viêm kết mạc: Nhỏ nước muối Natri clorid 0,9% thường xuyên để rửa sạch mắt hàng ngày; tra thuốc mắt theo đúng chỉ định.
Đối với kháng sinh chữa đau mắt đỏ nên dùng một kháng sinh tra mắt phổ rộng là đủ hoặc có thể dùng các sản phẩm có kết hợp kháng sinh mạnh và một chống viêm dòng cortizol như tobradex, decordex, vigadexa… nhưng phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mới cho dùng các thuốc này.
Các thuốc có tác dụng ổn định dưỡng bào như lodoxamide,olopatadin hoặc các thuốc kháng thụ thể histamin như emadastin hoặc kháng histamin như: Naphazolin, chlopheniramin… có tác dụng tốt đối với những trường hợp viêm kết mạc dị ứng. Bên cạnh đó cần nâng đỡ cơ thể bằng các thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng đặc biệt là nhóm chứa nhiều vitamin A, B, C... Nếu không bù được bằng đường ăn có thể sử dụng đường uống.
Cẩn thận khi dùng thuốc Clodexa và Nemydexa vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt.
Hạn chế dùng thuốc mỡ trong giai đoạn cấp, do sẽ làm tăng cảm giác khó chịu khi đang ở giai đoạn viêm.
Bệnh nhân không nên tự mua thuốc về tra mắt, tự xông lá vì đã xảy ra nhiều trường hợp bỏng mắt do xông lá hay tinh dầu.
Không nhỏ cortizol tùy tiện gây loét giác mạc do Herpes hay nấm, năm nào cũng làm hàng chục, hàng trăm người mù lòa. Chỉ sau nhỏ 2 lọ clodexa cũng làm bạn phát sinh bệnh glôcôm, có thể gây mù lòa, điều trị rất phức tạp và tốn kém.
Khi dùng thuốc phải có ý kiến của bác sĩ. Dừng thuốc khi đã đạt mục đích điều trị. Khi dừng thuốc cần giảm liều dần dần, có theo dõi và khám lại theo hẹn. Không tự ý xông mắt để chữa đau mắt đỏ.
Ngoài ra, Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Viết Phương còn nhấn mạnh rằng: Khi đưa sinh viên trường cao đẳng Y Dược Pasteur đi bệnh viện thực hành lâm sàng, thực tế đã chứng kiến nhiều người bệnh viêm kết mạc đã xem nhẹ, tự điều trị hoặc điều trị không đúng dẫn đến khi nhập viện kiểm tra tình trạng thị lực, giác mạc thì đã bị biến chứng đáng tiếc. Do vậy, bác sĩ cũng có lời khuyên cho những người có triệu chứng bị đau mắt đỏ, không nên tự mua thuốc điều trị để tránh bệnh tình nặng hơn hoặc bị biến chứng đáng tiếc.