Hiện nay, tại Nghị định 45/2013/NĐ-CP trao quyền cho người sử dụng lao động lựa chọn nghỉ Tết Nguyên đán vào 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm Âm lịch hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm Âm lịch. Đồng thời, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo phương án nghỉ Tết Âm lịch cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2021, Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành thì người sử dụng lao động không còn quyền quyết định thời gian cụ thể nghỉ Tết Âm lịch.
Cụ thể, khoản 3 Điều 112 Bộ luật lao động 2019 quy định, hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch.
Như vậy, lịch nghỉ Tết Âm lịch từ năm 2021 thống nhất trên cả nước và do Thủ tướng quyết định.
Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán người lao động vẫn được hưởng nguyên lương.
Bên cạnh đó, cũng theo Bộ luật lao động 2019, từ 2021 dịp Quốc khánh người lao động sẽ được nghỉ 2 ngày (hiện nay, chỉ được nghỉ 1 ngày là ngày 2/9).
Cụ thể, là được nghỉ ngày 2/9 và ngày 1/9 hoặc ngày 3/9 (hằng năm, Thủ tướng Chính phủ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế mà quyết định nghỉ ngày 1/9 hay ngày 3/9).
Ngoài ra, bộ luật Lao động 2019 quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng". Theo đó, khái niệm thưởng cho người lao động cũng được mở rộng ra, có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
H.M